Năm 2015, ngành thép đã chứng kiến một lượng thép khổng lồ được nhập khẩu về thị trường nội địa, với sản lượng lên tới 15,098 triệu tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị khoảng 7,3 tỷ USD.
Thép nhập khẩu tràn ngập với giá rẻ đang là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp nội địa. Bởi vậy, năm 2016, cùng với đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, mối lo lớn của các doanh nghiệp nội là làm sao chống chọi với hàng nhập khẩu, trong đó, nhiều doanh nghiệp đang đề nghị các cơ quan chức năng bảo vệ ngành thép trong nước bằng các biện pháp tự vệ.






Năm 2016 được nhận định vẫn là một năm đầy khó khăn với ngành thép. Ảnh: Chí Cường



Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho rằng, lượng thép nhập khẩu năm 2015 đã tăng gần 30%, với hơn 15 triệu tấn, nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời, nhiều doanh nghiệp nội sẽ bị ép tới suy kiệt. Cần có phương án phản ứng nhanh, mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước.
Cần phải nói thêm, lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2015 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó, sắt thép từ Trung Quốc chiếm hơn 50% với giá rẻ.
Trước sự đổ bộ của thép nhập khẩu ngày càng lớn, trong những ngày cuối tháng 12/2015, 4 “ông lớn” ngành thép là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý đã đệ đơn tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề nghị áp dụng tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp này, có sự gia tăng đột biến và bất thường về nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra trong thời gian gần đây. Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu từ gần 600.000 tấn năm 2014 đã tăng lên 1,5 triệu tấn trong năm 2015. Thép dài nhập khẩu từ gần 830.000 tấn năm 2014 cũng tăng lên hơn 1,2 triệu tấn năm 2015. Việc này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép, làm giảm công suất, thị phần, lợi nhuận, khiến lao động mất việc làm.
Được biết, với sản phẩm phôi thép, 4 doanh nghiệp này hiện chiếm gần 40% tổng sản lượng sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm thép dài, các công ty này chiếm tới hơn 34% tổng sản lượng sản xuất. Giai đoạn điều tra xác định thiệt hại được tính từ ngày 1/1/2012 đến 30/9/2015.
Cũng theo thông tin trong hồ sơ, lượng bán hàng nội địa sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước tăng từ 5-10% trong năm 2015, trong khi lượng hàng hoá nhập khẩu tăng từ 150 - 160% trong cùng kỳ. 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ cho rằng, điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng thị phần của ngành sản xuất phôi thép trong nước, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận...
Do vậy, bên nguyên đơn đề nghị Bộ Công thương áp mức thuế tự vệ tạm thời 45% đối với phôi thép và 33% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi thép nhập khẩu, không phân biệt nước xuất khẩu trong thời gian 200 ngày để tháo gỡ khó khăn cho nguyên đơn và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.
Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công thương đã xác nhận đơn yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quy mô ngành thép của Trung Quốc quá lớn nên buộc phải tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu và hiện tượng này không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà cho cả EU…
Căn cứ vào tình hình cung cầu thép thế giới, VSA cho rằng, giá thép xây dựng trong năm 2016 sẽ khó có khả năng nhích lên, do cung đang quá dư so với cầu và quốc gia có sản lượng thép lớn như Trung Quốc vẫn đang thưc hiện các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu. VSA cũng đề nghị doanh nghiệp thép trong nước liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự xâm lấn của hàng nhập khẩu.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn