ADB mới đây đã đề xuất một số giải pháp giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Việt Nam thiếu một danh sách dự án PPP tiềm năng đáng tin cậy đang làm giảm sự hấp dẫn đầu tư. Ông có thể nói kỹ hơn về trở ngại này?
Khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thì Việt Nam ngày càng thiếu vốn để đầu tư vào hạ tầng, với nhu cầu vốn dự kiến chiếm 10 - 12% GDP trong giai đoạn 2015 - 2020, cao gấp nhiều lần so với khả năng của ngân sách nhà nước. Do vậy, Chính phủ đã thông báo sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn vốn mới bên ngoài để xây dựng các dự án hạ tầng, đặc biệt là vốn từ khu vực tư nhân.






Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).



Chúng tôi cho rằng, PPP là một trong số ít lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam có thể đẩy mạnh ngay để thu hút vốn, nhằm đối phó với các thách thức về tài chính.
Tại Việt Nam, cho đến nay mới chỉ có một số dự án đầu tư vào hạ tầng dưới các hình thức như xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - chuyển giao - khai thác (BTO), do thủ tục rườm rà. Các dự án này được tiến hành một cách độc lập, chứ chưa được coi là một phần của chương trình cải cách hạ tầng tổng thể của Việt Nam.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc tạo ra một danh mục dự án PPP khả thi có tiêu chuẩn cao là cực kỳ quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án này. Khi quy trình, thủ tục đấu thầu được minh bạch, rõ ràng và các dự án được chuẩn bị kỹ càng thì sẽ giảm chi phí giao dịch, cũng như giảm thiểu rủi ro, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư.
Do vậy, việc đưa ra một danh mục các dự án PPP khả thi có tiêu chuẩn cao sẽ thể hiện rõ ràng cam kết của Chính phủ và giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư.
Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng có cách tiếp cận như vậy. Tuy nhiên, khi muốn đưa ra một danh mục dự án PPP khả thi có tiêu chuẩn cao, cần phải làm cho các nhà đầu tư tư nhân hiểu được cơ chế chia sẻ rủi ro.
Trong bối cảnh có nhiều rào cản về thuế, việc xác định rõ các cơ chế tham gia vốn của Nhà nước, cũng như việc sử dụng bảo lãnh từ khu vực công là điều vô cùng quan trọng trong thực hiện các dự án PPP. Việc thực hiện các hướng dẫn về tài chính đối với việc tham gia vốn của Nhà nước và các quy định khác sẽ là một bước quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của khu vực tư nhân đối với các dự án PPP.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP được ban hành nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý về PPP của Việt Nam, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ các rào cản mà các nhà đầu tư tư nhân đang gặp phải. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Nghị định này được ban hành từ tháng 2/2015 và khi thực hiện một thời gian sẽ cho thấy rõ những hạn chế của chính sách.
Một trong những quan ngại lớn của các nhà đầu tư và ngân hàng là việc bảo lãnh của Chính phủ đối với một số loại rủi ro chưa đầy đủ và chưa rõ ràng. Chúng tôi hiểu rằng, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp xây dựng để ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện bảo lãnh và hỗ trợ tài chính nhà nước, nhằm tạo tính khả thi cho các dự án PPP.
Xét về tổng thể, việc ban hành nghị định là tích cực, nhưng việc thực hiện nghị định này liên quan đến sự phối hợp liên ngành, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ và phải nâng cao năng lực bản thân.
Chúng tôi kiến nghị rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh việc chuẩn bị các dự án PPP ưu tiên và các dự án này sẽ là thước đo tính hiệu quả của khuôn khổ pháp lý về PPP của Việt Nam. Thực hiện thành công một số dự án PPP đơn giản sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai các các dự án PPP phức tạp hơn nhờ đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn.
ADB đã và sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện khuôn khổ pháp lý về PPP như thế nào?
ADB rất vui vì đã được tham gia việc mở một cánh cửa mới cho Việt Nam huy động đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng Nghị định 15/2015/NĐ-CP, chúng tôi còn giúp Việt Nam xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, trong đó có thông tư về tiêu chí lựa chọn các dự án PPP.
Ngoài ra, ADB cũng đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp cung cấp khoản hỗ trợ tài chính trị giá 30 triệu USD cho Việt Nam để thành lập Quỹ Phát triển dự án. Mục tiêu của quỹ này là giúp Việt Nam phát triển một danh mục dự án PPP khả thi để đưa ra đấu thầu, bao gồm cả các dự án PPP tiên phong.
Thông qua việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, chúng tôi kỳ vọng sẽ cải thiện được tiêu chuẩn của các đề xuất dự án, xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước, cũng như tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư.
Thanh Tùng

Theo baodautu.vn