Thông tin vừa được ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) xác nhận với Báo Đầu tư, Dự án Lọc hóa dầu Victory, vốn đầu tư dự kiến 22 tỷ USD, chưa thể được cấp chứng nhận đầu tư ít nhất trong nửa đầu năm 2016.
Thậm chí, việc dự án này sẽ được triển khai thế nào, quy mô ra sao cho đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn. “Chúng tôi mới làm việc với chủ đầu tư, hiện tại họ đang thuê chuyên gia, trong đó có Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, đánh giá lại để cơ cấu lại Dự án. Lý do là vì, giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm quá sâu”, ông Toàn nói và cho biết, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và đối tác còn lại là Saudi Aramco (Ảrập Xêút) cũng đã xin “một cái hẹn” tới tháng 6/2016 rồi mới trả lời chính thức về việc triển khai Dự án ở quy mô thế nào và tiến độ ra sao.






Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đã sẵn sàng cho Dự án Lọc hóa dầu Victory. Ảnh: Đức Thanh



Như vậy, số phận của siêu dự án này vẫn còn khá bấp bênh, cho dù đây là một thực tế đã được dự báo khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu, hiện chỉ ở mức 37 USD/thùng. Tình hình khác hẳn với sự hứng khởi và đầy kỳ vọng của hơn 1 năm trước, sau khi Nghiên cứu khả thi của Dự án được Hội đồng Thẩm định Quốc gia thông qua.
Vào thời điểm ấy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án, ngay sau khi chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết. Kế hoạch ban đầu là quý II/2015, sau đó được lùi sang nửa cuối năm, và cho đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện được. Thậm chí, theo thông tin của Báo Đầu tư, PTT và Saudi Aramco cũng chưa hề chính thức nộp hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án.
Năm ngoái, nhiều thông tin cho biết, việc PTT và Saudi Aramco chưa thực hiện các thủ tục đầu tư cần thiết là vì họ muốn tìm một đối tác trong nước để triển khai Dự án. Cũng đã có một vài lần lịch làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định, chủ đầu tư với đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Petrolimex được sắp đặt, nhưng rồi bất thành.
“Thực tế thì PTT không đặt nặng vấn đề tìm đối tác trong nước, mà chỉ có Saudi Aramco. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Saudi Aramco không tham gia, thì PTT cũng cho biết, họ sẽ tìm đối tác khác. Nhiều nhà đầu tư cũng muốn cùng PTT đầu tư dự án này”, ông Toàn cho biết.
Nhưng đó là câu chuyện của năm ngoái. Còn năm nay, khi giá dầu giảm quá sâu, không biết tình hình sẽ đi đến đâu.
Không chỉ PTT, Saudi Aramco, mà nhiều đại gia dầu lửa thế giới như Total, Statoil hay BP cũng đang phải vật lộn với việc giá dầu giảm sâu mà chưa có tín hiệu phục hồi. Giá dầu hiện chỉ ở mức 37 USD/thùng trong khi “điểm hòa vốn” được xác định phải là khoảng 60 USD/thùng. Vì thế, không còn cách nào khác, các đại gia đã buộc phải cắt giảm đầu tư.
Thông tin gần đây cho biết, hai hãng dầu lửa Mỹ là Chevron và ConocoPhillips đã công bố kế hoạch cắt giảm 1/4 ngân sách cho năm 2016. Tập đoàn Royal Dutch Shell của Hà Lan tuyên bố sẽ giảm đầu tư thêm 5 tỷ USD nếu vụ thâu tóm BG Group được thúc đẩy.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn Rystad Energy có trụ sở ở Oslo (Nauy), thì đầu tư trong ngành dầu khí toàn cầu năm nay sẽ giảm còn 522 tỷ USD, mức thấp nhất trong 6 năm qua, sau khi giảm 22% còn 595 tỷ USD trong năm 2015.
Trong bối cảnh ấy, sự thất hứa của PTT và Saudi Aramco cũng là điều dễ hiểu. Các nhà đầu tư sẽ chỉ dốc tiền, nhất là khi đó là một ngân khoản lớn, vào các dự án hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho họ.
Đầu năm ngoái, khi giá dầu giảm xuống chỉ còn 60-65 USD/thùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhắc tới những tác động nhiều chiều, trong đó có việc làm ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư vào các dự án lọc hóa dầu.
Tuy nhiên khi đó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã nhấn mạnh việc Dự án Lọc hóa dầu Victory là dự án “lọc hóa dầu”, chứ không phải là “khai thác dầu thô”, do vậy không bị tác động tiêu cực, mà thậm chí là ngược lại, để khẳng định cam kết của PTT và Saudi Aramco trong việc quyết tâm triển khai Dự án. Nhưng câu chuyện hiện giờ đã khác, khi mà giá dầu đang ở mức rất thấp, thậm chí đã có dự báo về việc giá dầu có thể giảm xuống ngưỡng 20-25 USD/thùng.
Khi Dự án Lọc hóa dầu Victory bấp bênh, thì có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến các dự án mà một số nhà đầu tư đang nhăm nhe đầu tư vào Bình Định để đón đầu cơ hội do Dự án mang lại. Giữa năm ngoái, hai công ty của Thái Lan là Ratchaburi Electricity Generating Limited (Thái Lan) và Công ty TNHH Phát triển năng lượng KST (liên doanh Việt Nam - Thái Lan) đã tới Bình Định để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn