Bài 4: Việt Nam - Quốc gia khởi nghiệp
Hệ sinh thái cho khởi nghiệp
Trở lại với vị trí thứ 7 của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới năm 2015, cộng thêm thông tin mà ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ về tư tưởng “khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia” lần đầu xuất hiện trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, chắc là không quá sớm để bàn đến kỷ nguyên về khởi nghiệp tại Việt Nam.
Chưa bao giờ, “hệ sinh thái khởi nghiệp” của Việt Nam, nhìn cả ở góc độ vi mô và vĩ mô, lại hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi đến vậy. Một nền kinh tế cổ vũ, dung dưỡng cho sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh đang đưa Việt Nam lên nấc thang mới của hành trình tạo dựng sự thịnh vượng cho từng người dân.






.



Còn nhớ, những năm 1998 -1999, khi khởi động Giải thưởng Sao Đỏ - tôn vinh doanh nhân với tư cách những người làm giàu cho mình và cho đất nước, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khi đó là Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, chỉ dám đặt mục tiêu là thay đổi quan niệm của người dân về doanh nghiệp tư nhân. Các cuộc làm việc của lãnh đạo Hội ngày đó hay được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây, đại bản doanh của ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội, Phó chủ tịch lâm thời của Hội, luôn có màn hô khẩu hiệu, lần thì “kinh doanh”, hôm thì “làm giàu”... Những doanh nhân khi đó đi họp bằng xe máy, thậm chí cả xe đạp, nhưng ông Thành kể, nhưng tinh thần thì ngùn ngụt. Họ muốn thổi bùng ngọn lửa kinh doanh, hối thúc sự vươn lên trong chính mình và trong giới trẻ ngày đó.
Ngay cả việc xuất hiện Ngày Doanh nhân Việt Nam vào năm 2004, một ngoại lệ duy nhất trên thế giới, hay những nỗ lực vận động của giới doanh nhân để lần đầu tiên có được Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vào năm 2011, cũng bắt nguồn từ mong muốn cổ xúy tinh thần kinh doanh trong xã hội.
Hiện tại thì khác. Tinh thần khởi nghiệp đang ở mức sẵn sàng. 71% người Việt Nam có thái độ tích cực đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, 89% mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng, 75% nghĩ rằng, bắt đầu kinh doanh là khả thi và tới 67% không dễ dàng bị môi trường xã hội tác động vào quyết định khởi nghiệp của mình…
Bức tranh này hoàn toàn tương đồng với Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam (GEM) 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào năm ngoái. GEM còn có thêm một tiêu chí thú vị, đó là 70,3% người dân Việt Nam nghĩ rằng, khởi sự doanh nghiệp chủ yếu để tận dụng cơ hội chứ không phải vì không có công việc nào tốt hơn…
Tất nhiên, các con số này có thể chưa đồng nghĩa với sự xuất hiện của làn sóng doanh nghiệp mới ngay lập tức, như mong muốn của ông Vương Đình Huệ trong câu chuyện về tinh thần khởi nghiệp quốc gia, nhưng nó cho thấy, khát vọng kinh doanh dường như chưa bao giờ ngừng chảy trong huyết quản người Việt Nam, sẵn sàng vượt qua khó khăn để bùng lên khi có đủ điều kiện
Kỷ nguyên của sáng tạo
Vào đúng ngày đầu tiên của năm 2016 tới, Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (DES) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là dấu ấn mở đầu cho Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016” với hàng loạt giải pháp cụ thể mà UBND TP. Đà Nẵng vừa ký ban hành vào ngày 9/12/2015, nhưng cũng là thông điệp chính thức của Đà Nẵng về động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể nói vậy, bởi chỉ một ngày trước khi đặt bút ký vào văn bản trên, ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã nói một ý mà chắc sẽ không chỉ đúng với Đà Nẵng trong những năm tới, đó là: “hết đất rồi, động lực phát triển của Đà Nẵng chỉ có thể là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
Nhìn lại, sự nổi lên nhanh chóng của thành phố trẻ Đà Nẵng những nằm gần đây là nhờ khai thác tốt quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Mỗi năm kể từ năm 2011, tiền thu từ đất của thành phố này lên tới 5.000-5.500 tỷ đồng, cộng với tiền thuế, thì Đà Nẵng có 8.000-8.500 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng. Bộ mặt của Đà Nẵng thay đổi chóng mặt. Nhưng như ông Khương nhấn mạnh, đó là trước đây. Sau năm 2015, thế mạnh này đã không còn. Năm 2014, tiền thu từ đất chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng. Năm nay, con số được dự tính cũng chỉ tầm đó. Trước khi tiến hành Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI vào tháng 10/2015, ở Đà Nẵng đã nổi lên những cuộc thảo luận để tìm xem động lực nào giúp Đà Nẵng vững vàng đi lên trong vòng 5-10 năm tới và lâu hơn nữa, giải pháp nào để thành phố của 40 trường đại học, cao đẳng với 100.000 sinh viên ra trường mỗi năm giải được bài toán lao động...
Cũng phải nói thêm, DES không phải của riêng chính quyền địa phương. Trong số 30 tỷ đồng vốn đăng ký của Công ty, có 10 tỷ đồng đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân trong thành phố. Họ và nhiều doanh nhân cùng tư tưởng sẽ là thành viên của hội đồng tuyển chọn các ý tưởng kinh doanh tốt để đầu tư… Thậm chí, ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, một trong những thành viên tham gia hoạt động này, đã bắt đầu mơ tới một thời kỳ mới của Đà Nẵng – vùng đất hứa của những ý tưởng, sáng tạo kinh doanh…
Nhưng giới hoạch định chính sách về doanh nghiệp lại muốn nhìn xa hơn từ mô hình của DES. Ngay trong Phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng được tổ chức trong tuần cuối cùng của tháng 12/20115, DES được nhắc đến như một mô hình cần nghiên cứu.
Vì mục tiêu của Luật này, theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ phó Tổ biên tập, là phải tìm được chìa khóa để thúc đẩy sự sáng tạo của từng người dân trở thành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tích hợp được các doanh nghiệp nhỏ và vừa đơn lẻ vào chuỗi giá trị theo đúng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Ông gọi đây là bộ phận xương sống, sẽ làm nên sự phồn vinh của nền kinh tế bằng sức sống bền bỉ và sức sáng tạo của mình.
“Chúng ta không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng phải tạo ra được hệ sinh thái để doanh nghiệp tin tưởng và sáng tạo. Đây là điều không dễ dàng. Ngay cuộc họp Tổ biên tập này, chưa có được một nửa thành viên chính thức của Tổ có mặt. Vấn đề nhận thức có lẽ vẫn là một rào cản không nhỏ”, ông Đông thẳng thắn khi trên thực tế, 80% chính sách, chương trình trợ giúp khu vực này không có đánh giá kết quả, nhiều quy định chỉ dừng lại ở “khung khuyến khích”. Thậm chí, một quốc gia có tới 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa như Việt Nam mới có 8 vườn ươm doanh nghiệp, 21 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động. Quỹ Phát triển DNNVV sau 3 năm thành lập vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động…
Tuy vậy, năm nay, giới hoạch định chính sách về doanh nghiệp lại có thể thở phào khi nhìn vào các con số báo cáo về đăng ký doanh nghiệp năm 2015. Năm nay, có thêm 94.754 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Một con số khác cũng đem lại nhiều thông tin không kém, đó là sự trở lại thị trường của 21.506 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký.
Ở góc độ vĩ mô, môi trường kinh doanh đang hậu thuẫn rất tích cực tới tinh thần khởi sự kinh doanh, tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư. Luận điểm phải biến doanh nghiệp thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khi thay mặt Chính phủ bảo vệ hai dự án Luật Đầu tư và Doanh nghiệp trước Quốc hội đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Quyết tâm liên tục của Chính phủ trong mục tiêu nâng cấp môi trường kinh doanh theo chuẩn mực của thế giới và khu vực, ít nhất là ngang với ASEAN 6 trong năm 2015 và ASEN 4 vào cuối năm 2016 tới đây; tinh thần “cái gì lợi cho doanh nghiệp thì khó cũng phải làm” mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã liên tục truyển tải tới cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi có dịp... đang gỡ dần những rào cản thực thi, dù vô hình nhưng lại là tác nhân lớn nhất làm nhụt chí, thậm chí là thui chột ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh.
Nhưng rõ ràng, vẫn chưa đủ với một nền kinh tế đang vận động mạnh mẽ theo hướng thị trường, không gian thị trường mở ra đi kèm với cơ hội không giới hạn cho ý tưởng và sáng tạo. Vào lúc này, mong muốn về Chương trình quốc gia khởi nghiệp, bao gồm cả khởi nghiệp cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tập đoàn hay thành phố, những đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và có thể chế hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cua Chính phủ và thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài... đang được nhắc tới nhiều hơn, ở tầm cao hơn.
Trong lúc này, phải nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi bảo vệ tinh thần “người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, đó là: “Môi trường kinh doanh thông thoáng, rõ ràng, minh bạch, thủ tục đơn giản sẽ thúc đẩy mọi người có tiền, có ý tưởng thành lập doanh nghiệp. Khi đó, nguồn lực của người dân sẽ không nằm trong ngân hàng, không vàng hóa hay đô la hóa. Khi đó, đất nước sẽ phát triển”.
Chặng đường 30 năm Đổi mới của Việt Nam đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm cùng những đột phá trong tư duy kinh tế, đưa Việt Nam từ đói nghèo bước vào nhóm nước thu nhập trung bình.
Trong mùa xuân thứ 30 này, khát vọng sống và vươn lên của người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam về một kỷ nguyên mới của sáng tạo, thịnh vượn đang đặt trọng trách lên vai những người nắm vận mệnh quốc gia.
Chưa bao giờ, khát vọng thịnh vượng của người dân Việt Nam lại mạnh mẽ và tràn đầy nguồn sinh khí mới đến vậy…
Bảo Duy

Theo baodautu.vn