Trong diễn biến mới nhất của “nghi án” sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong, ngày 16/12, tại buổi Họp báo tổng kết công tác 2015 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã thông tin với báo chí rằng, từ nay đến hết tháng 12/2015, cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ “chốt” phương án xử lý vụ việc.
Cũng trong cuộc họp này, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về kiến nghị của Thanh tra Bộ Quốc phòng chuyển vụ việc lên Tổng cục An ninh (Bộ Công an) trực tiếp điều tra, ông Cẩn cho rằng, đây mới chỉ là kiến nghị của một cơ quan cấp Bộ, không phải kiến nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Trong khi đó, hiện vẫn chưa phát hiện cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu vi phạm tố tụng và vẫn đang thực hiện đúng quy trình, Bộ Công an vẫn đang có những chỉ đạo sát sao.






Tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thuận Phong



Một câu hỏi khác liên quan đến lợi ích của Công ty Thuận Phong, khi nhà xưởng bị niêm phong kéo dài để phục vụ công tác điều tra, sẽ giải quyết thế nào nếu Công ty Thuận Phong không có tội, ông Cẩn khẳng định, quyền lợi hợp pháp của Công ty Thuận Phong sẽ được bảo vệ theo pháp luật.
Tuy nhiên, qua trao đổi riêng với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cẩn cho rằng, với những vi phạm của Công ty Thuận Phong, vụ việc gần như chắc chắn sẽ bị đưa ra khởi tố.
Trước đó, tại cuộc họp liên ngành giữa Ban Chỉ đạo 389 với các bộ, ngành vào đầu tháng 12/2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu cơ quan điều tra phải sớm đưa ra kết luận vụ việc tại Công ty Thuận Phong, một sự việc đang được dư luận xã hội, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Mặc dù, những tranh cãi kéo dài về việc Thuận Phong có sản xuất, buôn bán hàng giả hay không sẽ sớm được chấm dứt, nhưng sự kéo dài đó và “kinh động” đến rất nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng đã cho thấy những bất cập, những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón.
Đó là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng giám sát. Việc Thuận Phong sản xuất phân bón đã từ lâu, nhưng phải đến khi Ban Chỉ đạo 389 về địa phương mới phát hiện vi phạm. Cả nước có 63 tỉnh, thành phố, trong khi đó chức năng, nhiệm vụ đã được giao rất rõ ràng, nhưng vì sao vẫn còn những vụ việc như Thuận Phong?
Hệ thống pháp luật mặc dù đã khá hoàn thiện, nhưng với một vụ việc cụ thể như Công ty Thuận Phong, qua 4 lần họp với sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà vẫn chưa thể thống nhất ý kiến. Nguyên nhân là việc từ ngữ được dùng trong các văn bản luật không rõ ràng, nên có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí, có những trường hợp, cơ quan điều tra phải làm công văn “nhờ” cơ quan chuyên môn giải thích.
Cũng qua vụ việc này, có thể thấy rằng, cuộc đấu tranh với tội phạm sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn rất dài và vô cùng gian nan, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các đối tượng càng ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, cấu kết với nước ngoài, lợi dụng chính sách của Việt Nam trong việc mở cửa thu hút đầu tư để phạm tội.
Vụ án chưa khép lại, nhưng có thể thấy rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần có một giải pháp tổng thể quy hoạch, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Lĩnh vực ảnh hưởng sâu rộng đến hàng chục triệu nông dân, hàng ngàn doanh nghiệp với quy mô thị trường hơn 2 tỷ USD/năm.
Hữu Tuấn - Anh Trung

Theo baodautu.vn