[IMG]Error Upload Image: Could not establish new file (files/2014/03/07/nhung-nu-doanh-nhan-quyen-luc-dan-dat-su-thay-doi-1.jpg?nocached=1394156834) on local server. Be sure to CHMOD your directory to 777.[/IMG] Dấu ấn đi đầu Hơn chục năm trước, vào năm 2000, sự có mặt của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) trên sàn chứng khoán trong vai trò là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên đánh dấu một bước ngoặt lớn không chỉ với REE, mà với cả nền kinh tế Việt Nam. Chân dung các nữ doanh nhân: hàng trên (từ trái qua): bà Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), Nguyễn Thị Phương Thảo (Sovico Holding), Phan Thị Tuyết Mai (Thủy sản Tài Nguyên), Lê Hồng Thủy Tiên (IPP); hàng dưới: bà Nguyễn Thị Nga (SeABank), Cao Thị Ngọc Dung (PNJ), Bùi Thị Hải Yến (Hanel), Mai Kiều Liên (Vinamilk) Lần đầu tiên, Việt Nam ghi tên mình vào thị trường vốn đại diện cho nền kinh tế hiện đại của thế giới. Cũng từ thời điểm đó, tên tuổi của nữ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh, được nhắc tới như một “công thần” trong các bước tiến của REE. Năm 2013, REE gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 1.000 tỷ đồng với tổng doanh số 2.390 tỷ đồng, dấu ấn của nữ CEO Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn đậm nét. Nhưng, thời điểm ghi dấn ấn sự thay đổi đầu tiên với REE dưới vai trò điều hành của bà Thanh là năm 1993, khi REE là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa thành công. Phải nhấn mạnh tới yếu tố thành công của REE trong quá trình cổ phần hóa để thấy hết nỗ lực của những người đi đầu, bởi cho tới thời điểm này, hơn 20 năm sau, câu chuyện về những khó khăn, rào cản trong đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục được nhắc tới. Xuất phát điểm khác với bà Thanh, nhưng những dấu ấn mà bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Tập đoàn BRG, cổ đông lớn của Hilton Hà Nội Opera… trong tiến trình đổi mới của nền kinh tế Việt Nam vô cùng ấn tượng. Không thể nói là tình cờ khi những cuộc khủng hoảng kinh tế hay các bước thay đổi tích cực dần của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự thừa nhận và công nhận quyền kinh doanh của người dân trong hệ thống pháp luật, chính sách… đều trở thành những điểm ghi dấu các bước thành công trong kinh doanh của người phụ nữ mà Tạp chí Forbes khi tôn vinh trong danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014” đã gọi là giàu nhất Việt Nam. Năm 1993, khi những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được phép hình thành, bà Nga đã trở thành một cổ đông nhỏ của Ngân hàng TMCP châu Á - Thái Bình Dương, rồi tiếp đó là Techcombank sau khi Ngân hàng TMCP châu Á - Thái Bình Dương bị giải thể và rồi trở thành bà chủ của SeABank hiện tại từ năm 2007 với tổng tài sản gần 100.000 tỷ đồng. Năm 1997, sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á, cùng với việc đầu tư vào ngân hàng, bà Nga đã mua lại Công ty King’s Island với sân golf Đồng Mô từ một nhà đầu tư Thái Lan đang thua lỗ. Không bàn tới mức giá được cho là rất hời trong thương vụ này, song có thể nói, người phụ nữ dũng cảm thử sức với những cơ hội để tự tay tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ ngay từ khi nền kinh tế Việt Nam mới hé cửa đã mở ra một hình thức kinh doanh mới thông qua mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Cũng chính bà đã tạo nên một hình ảnh mới về tiềm lực, sức mạnh thực sự của doanh nghiệp Việt Nam khi mua lại 70% cổ phần của khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera từ quỹ đầu tư VinaCapital vào năm 2011... Cúp Bông Hồng Vàng ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi và thành công của doanh nhân nữ trong định hướng, điều hành doanh nghiệp Mở cánh cửa tư duy về doanh nhân nữ Năm 2014, trong danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014” do Tạp chí Forbes công bố, Việt Nam góp 3 gương mặt tiêu biểu, nhiều hơn hẳn 2 năm trước, năm 2012, thời điểm bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành doanh nhân Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Phải nhấn mạnh, đây là năm thứ ba, bà Liên duy trì sự có mặt của mình trong danh sách này khi tiếp tục dẫn dắt Vinamilk trở thành thương hiệu sinh lời nhất tại Việt Nam kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2006. Hiện tại, bà Liên không chỉ đeo đuổi kế hoạch tăng doanh thu lên gấp đôi vào năm 2017, mà còn vươn ra thế giới với việc đầu tư 23 triệu USD vào liên doanh tại Campuchia với Công ty Angkor Dairy Products và dành 7 triệu USD mua lại 70% cổ phần Công ty Driftwood Dairy Holding ở California (Hoa Kỳ)… Mới đây, nghị quyết thành lập công ty con tại Ba Lan với vốn điều lệ 3 triệu USD cũng đã được HĐQT Vinamilk thông qua... Sẽ không có gì lạ nếu năm tới đây, số lượng doanh nhân nữ Việt Nam có mặt trong những nữ doanh nhân quyền lực châu Á sẽ tăng thêm, vì sau những chao đảo của nền kinh tế, khi nhiều doanh nghiệp, doanh nhân buộc phải rút khỏi tuyến đầu, thì tên tuổi nhiều doanh nhân nữ thế hệ vàng của nền kinh tế Việt Nam vẫn tỏa sáng. Có thể kể tới bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch, Tổng giám đốc PNJ; bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn VID; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Sovico; bà Thái Thị Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH… Không những thế, thế hệ nữ doanh nhân kế cận cũng bắt đầu sáng danh với lợi thế lớn về nhiệt huyết, sức trẻ, kiến thức, kỹ năng, cơ hội giao lưu với thế giới và đặc biệt là sự hậu thuẫn chặt chẽ và vô cùng quan trọng của thế hệ doanh nhân đi trước. Đó là CEO Vingroup Dương Thị Mai Hoa, Phó tổng giám đốc Đỗ Vũ Phương Anh của Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, CEO Nguyễn Bích Ngọc của Canifa hay Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương… “Hiện tại, có thể tôi chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức để thay cha, nhưng một khi được cha tin tưởng giao việc điều hành, thì mục tiêu tôi đặt ra cho mình là phải đưa Tân Hiệp Phát tăng trưởng gấp đôi hiện nay. Tôi may mắn và hạnh phúc vì được làm việc và chia sẻ tầm nhìn với những người mà mình ngưỡng mộ. Càng may mắn hơn khi sát cánh với tôi còn có ba mẹ, em gái và những người cộng sự đắc lực, trung thành với Công ty”, Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ hoài bão. Không phải ngẫu nhiên Tạp chí Forbes đã gọi tên những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á là những người dẫn dắt sự thay đổi. Bởi, trong môi trường văn hóa châu Á, trong văn hóa cụ thể của người Việt Nam, thì bổn phận thực hiện thiên chức của người phụ nữ đậm đặc hơn rất nhiều bất kể người phụ nữ đó đang ở vị trí nào. Ngay cả bà Nguyễn Thị Nga, vốn không mặn mà với việc nói về mình, cũng đã tâm sự rằng, để có thành công như hôm nay, bà đã phải hy sinh nhiều thú vui cá nhân, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. “Đã là phụ nữ, tôi cũng không thể quên gia đình của mình, người chồng và những đứa con”, bà nói. Sự thành công vượt ra ngoài biên giới của các doanh nhân nữ Việt Nam đang bắt đầu tạo nên sự thay đổi lớn hơn trong tư duy về doanh nhân nữ - những người đang thể hiện vai trò tất yếu của mình trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế… Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014 do Tạp chí Forbes công bố gồm 50 doanh nhân là những người sáng lập, có vai trò chủ chốt trong công ty gia đình, hoặc CEO các doanh nghiệp lớn đến từ 13 quốc gia, vừa được công bố trước dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 3 doanh nhân nữ của Việt Nam là bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamik; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, CEO REE và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank. Năm ngoái, bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Dược Hậu Giang cũng được vinh danh trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á. Đây là lần thứ ba, Forbes vinh danh các nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á. Các tiêu chuẩn được xem xét gồm: nữ doanh nhân đến từ các công ty lớn, có doanh thu tối thiểu 100 triệu USD, chủ yếu là các doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ USD/năm. <em itemprop='author'> Khánh An [/I]
Khánh An

Theo baodautu.vn