Đam mê, tâm huyết với trách nhiệm xã hội sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng ta không thật sự xắn tay vào làm và làm tới cùng, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Tò he đã nói vậy khi được hỏi về doanh nghiệp xã hội - mô hình doanh nghiệp mới vừa có tên trong Luật Doanh nghiệp 2015. Chuyện của Tò he Nem là một cậu bé 9 tuổi ở Hà Nội, sinh ra với hội chứng tự kỷ và Noonan bẩm sinh. Cậu bé gặp khó khăn trong giao tiếp và kiểm soát bản thân. Nhưng tranh của Nem thì lại khác. Nguyễn Đình Nguyên, CEO Công ty cổ phần Tò he Khi ngắm tranh của Nem, họa sỹ Lê Thiết Cương thậm chí đã từng ước được sinh ra với hội chứng tự kỷ để có thể vẽ những cánh đồng màu đỏ, những cái cây màu tím, rất nhiều mây và đầy ánh mặt trời như tranh của Nem. Họa sỹ Nguyễn Đình Nguyên không ước. Thương hiệu Tò he và Nem đã xuất hiện trên kệ hàng của Tò he vào những ngày đầu tiên của năm 2015. CEO Nguyên đã cùng với Tò he lựa chọn, khai thác và thiết kế các bức vẽ của Nem trên sản phẩm của Tò he để thế giới đến gần với Nem hơn, nhưng cũng để câu chuyện về thái độ sống của Nem đến với nhiều người hơn. Nem chỉ là một trong những nghệ sỹ đặc biệt của Tò he. Danh sách nghệ sỹ nhí của Tò he còn có Quang Huy với những câu chuyện vui dài bất tận; Hoàng Anh bắng nhắng; Lý Mĩ Kỳ mặt tròn xoe lúc nào cũng cười; Nguyễn Thanh Hoa toàn vẽ những thứ dễ thương nhưng ít lên lớp được vì là anh lớn, bận chăm các em nhỏ… Phần lớn các em đang sống ở 3 trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ em khuyết tật ở Nam Định, Ba Vì và trong nội đô Hà Nội – những nơi Nguyễn Đình Nguyên đang tổ chức các lớp học sáng tạo, cấp học bổng cho các em có năng khiếu từ một phần lợi nhuận thu được của Tò he. Các lớp dạy vẽ này đã được tổ chức từ 10 năm trước, vào những năm 2005, trước cả khi Tò he được thành lập. Khi đó, ngoài ba trung tâm, lớp học đã được một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đưa đến với các em khuyết tật ở một số tỉnh biên giới giáp với Lào, các đảo ở Khánh Hòa… nhưng rồi phải thu hẹp vì không đủ nguồn lực. Họa sỹ Nguyên kể, có những em hồi đó mới 9-10 tuổi, giờ đã thành người lớn, cao lộc ngộc, nhưng vẫn đến lớp học vẽ. Không nỡ bắt các em nghỉ, vì với những em khuyết tật sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội, đời sống tinh thần hạn chế, vẽ là món ăn tinh thần quý nhất, là sân chơi mà ở đó các em thực sự là những người hạnh phúc nhất… Những sản phẩm của định hướng nghề nghiệp hơn đã ra đời từ nhu cầu đào tạo nghề cho các em, để các em có thể đi xa hơn trên chặng đường nhiều chông gai tới... Chuyện của CEO Gặp CEO của Tò he, chất… xã hội đậm đặc với đầu húi cua, áo quần “bụi bặm”. Vẻ bề ngoài của người sáng lập và điều hành Công ty cổ phần Tò he chẳng ăn nhập gì với những sản phẩm… phi khuôn mẫu của Tò he. Những chiếc túi vải rực rỡ ông mặt trời… đeo kính. Những chiếc khăn 99% sắc màu hồn nhiên. Những chiếc khung ảnh không vuông cạnh mà như một nét vẽ vu vơ… Nếu không được giới thiệu, ít ai biết rằng, đó là những nét vẽ của trẻ em khuyết tật, được các nhà thiết kế chuyên nghiệp lựa chọn phù hợp với chất lượng vải cotton đặc biệt mà Tò he đặt dệt riêng, in bằng loại mực “ăn được”… Máy in trên vải đặc biệt cũng đã được Tò he nhập về. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhập loại máy này… Chính vì sự cầu kỳ này mà đến giờ, Tò he của Nguyễn Đình Nguyên vẫn đang cố gắng thoát lỗ. Năm 2011, lỗ khủng. Năm 2012, công ty lỗ hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2013, lỗ giảm còn khoảng 500 triệu đồng. Năm 2014, nhiều khả năng Tò he sẽ hòa vốn… Trong kinh doanh, lỗ liên tục cũng đáng lo. Nhất là khi các hoạt động xã hội mà Tò he đang tổ chức không thể ngắt quãng. Nghe nói, nhà và xe của gia đình cũng đã phải bán. Cũng có lúc sự nghiệp gần như đổ bể, nhưng may mà cả vợ của CEO Nguyễn Đình Nguyên cũng là một nhà sáng lập của Tò he. “Đúng là có những khoản lỗ chẳng thể bù đắp được. Nhưng cái mà chúng tôi nhận được rất nhiều từ mọi người xung quanh là sự yêu thương, hỗ trợ cả về vật chất, trí tuệ, tình cảm...và rất nhiều những người bạn tuyệt vời. Có thể những thứ đó chẳng đủ để giúp Tò he tồn tại hoặc vượt qua hết những khó khăn, nhưng Tò he muốn vẽ lên một bức tranh đẹp đẽ về một xã hội tốt đẹp mà có thể không dễ thành hiện thực. Tuy nhiên, đó là những gì Tò he không bao giờ đánh đổi hay nuối tiếc về sự mất mát và ân hận về sự lựa chọn của mình”, ông Nguyên tâm sự. Nhưng cũng chính sự cầu kỳ này, các nét vẽ ngộ nghĩnh, trong sáng với trí tưởng tượng bay bổng của Huy, của Hoa, của Kỳ… trên sản phẩm của Tò he đã sang tận trời Âu, Mỹ, Nhật Bản… Tháng 9/2014 vừa rồi, Công ty Design Ideas, nhà nhập khẩu và phân phối lớn tại Mỹ đã chính thức đề nghị hợp tác xuất khẩu các sản phẩm của Tò he sang thị trường Mỹ. “Ông Andy Van Meter, đại diện công ty Design Ideas đã viết cho tôi, ông ấy đã quan sát công ty tôi 3 năm trước lời đề nghị hợp tác, kể từ khi chúng tôi chỉ là một nhóm làm việc theo hứng. Họ đã tin và chờ tới khi chúng tôi trưởng thành và chuyên nghiệp hơn chứ không đặt sản xuất hàng nhái tại Trung Quốc. Đó là điểm được mà chúng tôi không thể kể hết”, vị CEO của Nguyên lý giải khi đằng đẵng cùng với các em khuyết tật chia sẻ và gieo trồng những ước mơ sống… Nguyên đã từng nói, nếu chỉ vì lợi nhuận, Tò he có thể chọn hướng khác như nhập màu vẽ, mực vẽ, vải vóc rẻ từ Trung Quốc, vừa đỡ mất công, không ngốn nhân sự, không mất tiền làm xưởng in, xưởng may. Nhưng những doanh nhân tử tế, doanh nhân xã hội không làm được thế. “Có thể nhiều người không coi “chất lượng cảm xúc” là cái gì đó có giá trị, nhưng tôi tin đó là những thứ quan trọng nhất tạo lên “chất lượng cuộc sống” của mỗi người. Tôi đã tìm được điều này từ khi làm Tò he, với các hoạt động vì cộng đồng”, Nguyễn Đình Nguyên tiếp câu chuyện dài về Tò he. Chuyện doanh nhân xã hội “Tôi mê câu nói của đại danh họa Picasso rằng, ông phải mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ. Bọn trẻ vẽ với cảm xúc thuần túy, không toan tính đầy học thuật như người lớn nên biểu cảm vô cùng. Chúng có tư duy, ngôn ngữ sáng tạo mà người lớn đúng là không dễ học”, Nguyễn Đình Nguyên chia sẻ một cách đam mê về những tác phẩm hội họa mà ông gọi là chất chứa đầy vitamin hồn nhiên và mong muốn gieo trồng sự hồn nhiên đó đến mọi người bằng cách hồn nhiên nhất. Chính bởi vậy, CEO của Tò he không căn ke lắm tới việc có là doanh nhân xã hội hay không, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2015 có hiệu lực vào tháng 7 tới, cũng không chờ đợi nhiều vào những cam kết hỗ trợ mà các nhà hoạch định chính sách đang đặt lên bàn nghiên cứu. CEO Nguyên nghĩ đơn giản, doanh nhân nào cũng vậy, khác nhau ở con người chứ không phải tên gọi. Những doanh nhân có thể không hoạt động trực tiếp hỗ trợ người khuyết tật như Tò he cũng rất… xã hội khi bản thân họ luôn hướng tới việc đem đến cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ tốt thực sự và tác động tích cực. Nhưng lại có “doanh nhân xã hội” đang lợi dụng danh nghĩa đó để mưu lợi cá nhân, kinh doanh không đàng hoàng, làm mất niềm tin và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cộng đồng doanh nghiệp xã hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Với CEO Nguyên, lúc này, khi đang có quá nhiều những câu chuyện không đẹp về chất lượng sản phẩm, dịch vụ…, khi niềm tin của mọi người đang chông chênh, xã hội cần nhiều hơn những doanh nhân tử tế, cần nhiều hơn những người tử tế chứ không chỉ là những danh xưng. Nhưng Nguyễn Đình Nguyên cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự chính danh của doanh nghiệp xã hội, chờ đợi các văn bản hướng dẫn thực thi. “Chỉ mong các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Tò he cảm nhận được những thay đổi tích cực này”, Nguyễn Đình Nguyên nói vì năm nay, kinh doanh vẫn còn quá khó khăn. <em itemprop='author'> Khánh An [/I]
Khánh An

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: