Mì gói: mục tiêu top 3
Sau khi thương vụ đình đám với Tập đoàn Mondelçz International được các cổ đông thông qua, Kinh Đô thu về xấp xỉ 7.847 tỷ đồng, tương đương 80% mảng bánh kẹo. Chưa tính sở hữu 20% còn lại của mảng này mà chỉ cộng với số tiền mặt đang sở hữu, Kinh Đô đang có trong tay gần 10.000 tỷ đồng - con số đủ biến doanh nghiệp này thành đại gia mới trong ngành thực phẩm.






Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô



Đối tác Mondelçz International có quyền mua 20% còn lại sau 12 tháng kể từ ngày giao dịch lần đầu hoàn tất, dự kiến vào cuối quý II/2015. Cho dù bán toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi đã giúp công ty này được mệnh danh là “ông vua bánh kẹo” tại thị trường trong nước thì thương hiệu Kinh Đô vẫn không biến mất mà thậm chí còn có thể đi xa hơn trên trường quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp này có thể ung dung chuyển qua ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, với dung thị trường lớn hơn gấp 12 lần.
Không để cổ đông phải chờ đợi lâu sau khi công bố chiến lược kinh doanh mới, Kinh Đô bắt đầu con đường chinh phục vị trí Top 3 ngành thực phẩm với mì Đại Gia Đình. Đây là sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Sài Gòn Vewong, cái tên đáng gờm trong lĩnh vực mì gói, gia vị, nước chấm.
Trao đổi với báo giới và cổ đông, Ban lãnh đạo của Kinh Đô vô cùng tự tin với chiến lược này của mình: “Nói riêng sản phẩm mì ăn liền, chúng tôi đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ vào Top 3 với 10% thị phần, đạt doanh số từ 1.900 đến 2.500 tỷ đồng”. Mặc dù “miếng bánh” thị trường mì gói không quá béo bở khi đã có nhiều đại gia đóng mác thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, không hẳn là không có lý do để doanh nghiệp này tự tin như vậy.
Hiện nay, dung lượng ngành bánh kẹo là 15.000 tỷ đồng, còn dung lượng thị trường thực phẩm đóng gói lên đến 193.000 tỷ đồng, nói riêng mì gói là 25.000 tỷ đồng. Trong đó, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ mì gói lớn thứ tư trên thế giới, với tổng lượng tiêu thụ năm 2013 lên đến 5,2 tỷ gói, tăng 21% so với 5 năm trước đó (số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới - WINA) được cập nhật đến tháng 5/2014). Rõ ràng, tiềm năng thị trường vẫn còn dành cho những ai đủ nguồn lực để dấn thân và đủ khả năng để khai thác.
Bên cạnh đó, Kinh Đô lại dạn dày kinh nghiệm trong ngành chế biến thực phẩm. Thực chất mì ăn liền và thực phẩm đóng gói khác cũng là thực phẩm. Đáng nói hơn khi doanh nghiệp này từ lâu đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng với các sản phẩm uy tín, chất lượng, đa dạng và tốt cho sức khỏe.
Hợp tác theo hình thức OEM, đơn vị này còn tận dụng được lợi thế về công nghệ của Saigon Vewong, tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản xuất, nhà xưởng mà còn bảo đảm về mặt chất lượng sản phẩm, mùi vị phù hợp. Ngoài ra, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc kiểm soát đầu vào nguồn nguyên liệu và chuỗi phân phối, KDC hoàn toàn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá mà chất lượng sản phẩm vẫn vượt trội.
Đặc biệt, lựa chọn phân khúc phổ thông với sản phẩm ở mức giá 3.500 đồng cũng là một bước đi khôn ngoan mang tính chiến lược của KDC. Đây mới là phân khúc chủ lực của mì. Bên cạnh đó, phân khúc này ghi nhận mức độ trung thành không cao đối với nhãn hiệu
Kim Yến

Theo baodautu.vn