Doanh nhân Phạm Đình Nguyên – Tổng giám đốc Công ty PhinDeli Việt Nam.



Nhiều người lại cho là anh “khùng” khi đầu tư đến 900.000 USD để mua một thị trấn có diện tích khoảng 4 hécta, gồm một trạm bưu điện, một trường học, một trạm xăng, một tiệm tạp hóa và chỉ duy nhất một cư dân!. Càng “không bình thường” khi anh thú nhận là đã phải vay mượn phần lớn số tiền đấu giá. Nhưng người làm điều tưởng chừng điên rồ đó lại có những lý lẽ riêng của mình. Nhắc lại thời điểm ba năm về trước, giọng anh vẫn đầy cảm xúc:
Nhớ lại thời điểm quyết định đấu giá, tôi thấy mình liều thật. Vốn suy nghĩ giản đơn, đã quyết làm gì thì làm rất nhanh nên tôi mới mạo hiểm như vậy. Nếu dành thời gian cân nhắc, tính toán thiệt hơn thì có lẽ tôi đã không làm.
Hầu hết những người tôi hỏi ý kiến đều phản đối ý tưởng táo bạo và “bất khả thi” ấy. Ngày sang Mỹ tham gia đấu giá, tôi không dám nói thật với vợ mình vì biết chắc rằng cô ấy sẽ không đồng ý.
Không ai ủng hộ, sao anh vẫn quyết mua cho bằng được thị trấn rộng vỏn vẹn 4 hécta đất được gọi là “nơi khỉ ho cò gáy” ấy?
Vì tôi biết con đường mình đang đi và mục tiêu mình muốn đạt được. Trước đó, tôi từng rất có ấn tượng với câu chuyện về website Half.com trong cuốn sách về buzz marketing – cách sử dụng một ý tưởng độc đáo, táo bạo để tạo ra những bàn tán xung quanh thông tin, sự kiện đặc biệt nào đó, đồng thời là một cách nhận biết về thương hiệu hiệu quả.
Người tên là Mark Hughes, giữ chức phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Half.com được thuê thực hiện chiến dịch giới thiệu website này với ngân sách 150.000 USD. Các công ty quảng cáo đã đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo nhưng đều đòi hỏi chi phí lớn.
Trong lúc bế tắc, Mark phát hiện nước Mỹ tồn tại hơn 40 thị trấn mà trong tên gọi có chữ “Half”, chẳng hạn Half Acre, Halfway, Half Moon… Anh ta tìm đến thị trấn nhỏ Halfway thuộc bang Oregon, thuyết phục từng thành viên trong hội đồng thị trấn và 350 người dân, hứa dành ra 100.000 USD để xây dựng phòng máy vi tính, làm website riêng cho thị trấn.
Cuối cùng, ngày Halfway quyết định đổi tên, cũng là ngày mà website Half.com chính thức ra đời. Từ báo giấy, đài, radio cho đến báo mạng đều dành mục đầu cho sự kiện này. Tạp chí Time cho rằng đây là sự kiện truyền thông ầm ĩ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chưa đầy ba năm kể từ khi ra đời, lượng thành viên truy cập http://www.half.com lên đến 8 triệu, một con số không tưởng lúc bấy giờ.
Thời điểm bắt gặp mẩu tin về cuộc đấu giá thị trấn Buford trên mạng, tôi liên tưởng ngay đến trường hợp buzz marketing nói trên. Rồi khi vào xem tin gốc đăng trên tờ báo uy tín Huffington Post, tôi nhận thấy vùng đất nhỏ hoang vắng này đang được khá nhiều người trên thế giới quan tâm. Tôi nghĩ tiếng tăm vốn có của thị trấn sẽ giúp cho sản phẩm mà tôi phát triển sau này tạo nên tiếng vang nên quyết định mua rất nhanh.
Một số ý kiến cho rằng anh đã trả giá quá cao cho một mảnh đất nhỏ, nơi mà theo ông Don Sammsons, người duy nhất sống và kinh doanh tại thị trấn Buford, thu nhập từ việc buôn bán đã giảm một nửa kể từ năm 2009?
Đối với một món hàng thì mỗi người nhìn ở một góc độ kinh doanh khác nhau nên chuyện có nhiều ý kiến bình luận đắt, rẻ là điều dễ hiểu. Riêng tôi cho rằng mình đã trả một giá hợp lý cho sản phẩm mình mua.
Việc mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với tôi là một định mệnh. Trước khi tiếp cận với thị trấn này, tôi thậm chí còn chưa đặt chân đến Mỹ. Tôi từng rất thất vọng khi biết lịch hẹn phỏng vấn xin visa Mỹ sau thời điểm đấu giá đến mười ngày.
Thật may mắn, tôi viết email xin phỏng vấn khẩn cấp thì chỉ vài giờ sau, Đại sứ quán Mỹ cho biết tôi có thể được phỏng vấn ngay. Sau đó, người cho mượn tiền đặt cọc lại bị tai nạn bất ngờ. Nhờ một người Mỹ mà tôi chưa từng gặp trước đó, tôi mới có thể đặt cọc kịp lúc ngay trước giờ hết hạn.
Và anh đã nghĩ đến việc phát triển cà phê ngay sau khi đấu giá thành công?
Không, lúc mua hầu như tôi chưa biết mình sẽ làm gì với Buford. Mua xong, nhiều người hỏi tôi là sẽ làm gì, tôi thành thật trả lời là chưa biết, nhưng người ta lại nghĩ tôi chưa muốn tiết lộ các dự định của mình giống như trước đó nhiều người nói tôi muốn làm chuyện giật gân để nổi tiếng.
Những bài học về marketing nhắc nhở tôi rằng đối với đám đông, hòn đá ném đi thì hòn chì ném lại. Vì vậy, tôi chọn cách im lặng, để thời gian và kết quả công việc sẽ tự trả lời.
Nói thật là tôi đã trải qua một khoảng thời gian đầy áp lực sau cuộc đấu giá đình đám. Bởi vì trong hoàn cảnh nợ nần chồng chất chưa trả xong, tôi lại chưa nghĩ ra sản phẩm gì để phát triển gắn với vùng đất thuộc quyền sở hữu của mình.
Sau một thời gian dài lan man, tìm kiếm không mệt mỏi, tôi đã tìm ra cà phê – một sản phẩm được ưa chuộng và có thể phát triển ở Mỹ, cũng là thế mạnh của Việt Nam.
Một năm sau khi anh mua thị trấn thì việc đổi tên có gặp khó khăn gì không?
Khi đổi tên thị trấn thành PhinDeli, tôi gặp phải nhiều sự phản đối của những người sống ở bang Wyoming, trong đó có cả lời đe dọa đến cả tính mạng của tôi nữa. Nhưng tôi như một người đã lỡ leo lên lưng cọp, không thể leo xuống được nữa. Thật may là mọi chuyện đều tốt đẹp sau đó.
Tôi không liều như mọi người nghĩ, thậm chí là một đứa trẻ nhút nhát, đi học thường bị các bạn trong lớp bắt nạt. Lớn lên, tôi mới từng trải qua nhiều gian khổ, thử thách trong quá trình đi làm.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tôi may mắn gặp nhiều người sếp tốt và được rèn luyện trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt nên chẳng ngại việc gì, từ việc nhỏ như khuân vác, bán hàng đến việc lớn là tổ chức những sự kiện ca nhạc thu hút mười mấy ngàn khán giả khắp các tỉnh… Có giai đoạn làm nhân viên bán hàng cho Coca-Cola, tôi bị áp lực về doanh số ám ảnh hằng ngày, phải tranh giành địa bàn với giang hồ đến suýt mất mạng.
Tôi đã trải qua cả những “ca khó”, đòi hỏi phải xử lý nhanh, chẳng hạn có lần một giám đốc cấp cao của Coca-Cola toàn cầu sang thăm Việt Nam thì trong ngày hôm trước, đối thủ của Coca-Cola đã “phủ xanh” hết con đường Trường Sơn trước sân bay bằng bảng hiệu của mình.
Từ 10 giờ đêm đó đến 3 giờ sáng hôm sau, tôi đã huy động các anh em trong đội cùng thuyết phục từng cửa hàng gỡ hết biển xanh, chuyển sang biển đỏ. Sáng hôm sau, cả con đường Trường Sơn đỏ rực bảng hiệu của Coca-Cola.
Đến nay, tôi vẫn cùng anh em đi gặp khách hàng, bán hàng trực tiếp ở chợ Bến Thành… Tôi cho rằng làm việc cùng nhân viên là để truyền cảm hứng cho nhân viên, nhất là khi thương hiệu cà phê của tôi còn quá mới mẻ.
Tôi chọn con đường hơi tham lam là tung ra sản phẩm cả ở Việt Nam lẫn Mỹ gần như trong cùng một thời điểm nên cần một lực lượng nhân lực giàu nhiệt huyết và sẵn sàng đối mặt với khó khăn.
Đi qua thị trấn Buford chủ yếu là khách vãng lai, người Việt không nhiều. Người Mỹ đã quen uống loại cà phê có hương vị nhẹ nhàng, nay anh chọn loại cà phê đậm đà hương vị Việt để bán thì liệu đó có phải là một bước thử nghiệm khó khăn?
Tôi muốn mình suy nghĩ khác, làm khác và kết quả tôi đã thành công. Cà phê ở Buford bán chạy hơn tôi dự tính. Phản hồi của khách hàng ở đây rất tốt. Họ rất thích hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam. Thị trấn của tôi cũng đã tăng được thu nhập một cách đáng kể.
Trạm điện thoại và trạm xăng dầu vẫn hoạt động đều đặn, phục vụ dân của các thị trấn lân cận và đặc biệt là khách du lịch. Cửa hàng tiện ích với khá nhiều sản phẩm Việt được bày bán như cà phê, nước mắm, hàng gốm sứ và cả băng đĩa nhạc Việt Nam…
Tôi đang tiếp tục đưa cà phê của mình tấn công vào các hội chợ hàng châu Á, sau đó sẽ vào các hệ thống 7 Eleven – chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất trên thế giới, hệ thống Walmart… Ước mơ đưa cà phê Việt ra thế giới đúng là phải trải qua một quãng đường dài với nhiều thử thách, mà việc đầu tiên tôi phải làm tốt là bán được cà phê của mình trước đã.
Còn ở thị trường trong nước, hình như anh đã bắt tay với Kinh Đô để phát triển hệ thống phân phối cho PhinDeli?
Quan hệ hợp tác của tôi và Kinh Đô đã chấm dứt từ năm 2014 vì quan điểm kinh doanh khác nhau. Trước đó, tôi nghĩ rằng hệ thống phân phối lớn mạnh của Kinh Đô sẽ rất phù hợp để phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê của mình. Nhưng sau khi thực tế bắt tay vào làm thì phát hiện ra nhiều điểm không phù hợp, khó đi cùng nhau lâu dài nên tôi quyết định chấm dứt, dù đã tốn khá nhiều thời gian tìm hiểu, lựa chọn và đàm phán.
Trong kinh doanh, muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì cần có bạn đồng hành. Khi hợp tác với một doanh nghiệp đang có sẵn hệ thống phân phối thì có thể mất đi một phần lợi nhuận. Ta phải chọn một phần nhỏ từ chiếc bánh to hay một phần to trong chiếc bánh nhỏ.
Thị trường thì luôn thay đổi, tôi vẫn cần tìm đối tác để hợp tác. Tuy nhiên, hợp tác trong kinh doanh chỉ đạt được khi hai phía đều tin tưởng và đồng lòng. PhinDeli là tâm huyết của cả đời tôi nên tôi không dễ dàng giao nó vào tay người khác.
Anh đã có Công ty IDS làm dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế thì sao không tận dụng nó để xây dựng kênh phân phối cho cà phê?
Hệ thống phân phối sản phẩm của IDS không phù hợp với cà phê. Hơn nữa, IDS chỉ mạnh về miền Bắc chứ không phải trên cả nước. Cà phê là một thị trường rộng lớn nhưng lại cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều đại gia cỡ bự trong và ngoài nước đã chiếm lĩnh thị trường.
Thương hiệu cà phê của tôi sinh sau đẻ muộn nên phải chọn hướng đi khác biệt. Tôi chọn phát triển hướng đi “Cà phê mang đi”, phục vụ loại cà phê chất lượng cao, an toàn với sức khỏe, có thương hiệu và phục vụ bằng máy cho ba vị cà phê đen, cà phê sữa và cà phê chocolate.
Chúng tôi cung cấp giải pháp nhượng quyền cà phê mang đi bằng cách đặt máy pha cà phê tại các căn-tin trường đại học, bệnh viện, điểm bán đồ ăn sáng, tiệm game, bi-da cũng như các chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhà hàng thức ăn nhanh khác.
Ngoài ra, chúng tôi đặt máy tại các công ty để cho nhân viên uống như công ty Tiki, Nhóm mua… Chỉ mới triển khai hơn một tháng, chúng tôi đã có hơn 80 điểm nhượng quyền bán cà phê PhinDeli mang đi.
Trong bước đầu như vậy, tôi ngày ngày vẫn phải đau đầu để tìm ra những con đường khác biệt để giúp PhinDeli tồn tại và phát triển. Đây là điều không dễ dàng nhưng mang lại nhiều thú vị.
Tôi luôn nghĩ rằng mình sống tử tế thì sẽ gặp may mắn. Tôi giống bố mình là thẳng tính, không lấy lòng người khác bằng những mỹ từ mà người ta muốn nghe. Tôi chỉ cố gắng sống tử tế như cách sống của bố tôi, vẫn biết rằng người tử tế có cả người thích lẫn không thích nhưng không ai dám coi khinh.
Có lẽ nhờ sống tử tế mà tôi gặp nhiều người tốt, nhất là những khi khó khăn. Có những người làm việc cùng tôi ở Coca-Cola từ rất lâu, nay lại cùng tôi phát triển cà phê pha phin nguyên liệu sạch.
Tôi trân trọng những đồng nghiệp đó vì họ làm việc xuất phát từ tình cảm với tôi chứ không phải vì tôi là “ông thị trưởng” như cách nhiều người gọi đùa. Hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta nhận ra được món quà của cuộc sống và chia sẻ món quà đó cho những người khác.
Vậy ở thời điểm hiện tại, anh có cảm thấy hạnh phúc?
Cũng như nhiều bạn trẻ, tôi từng nghĩ rằng muốn hạnh phúc thì phải thành công. Nhưng suy nghĩ đó đã thay đổi sau khi tôi được tham gia khóa học Landmark Leadership về thay đổi tư duy.
Khóa học giúp mọi người tự trả lời những câu hỏi “Tôi là ai?”, “Mục đích cuộc sống của tôi là gì?”… Những câu hỏi đó khá đơn giản nhưng có những người qua cả đời mà không trả lời được.
Tôi còn nhớ sau khi tham gia khóa học, một anh chàng khá điển trai và mạnh mẽ đã quyết định nói sự thật với vợ mình rằng anh ta là một người đồng tính hoặc một phụ nữ bị bệnh ung thư đã tìm thấy niềm vui và yêu đời trở lại…
Còn tôi thì hiểu rằng hạnh phúc không phải là khi thu được thành công đơn thuần, mà là những cơ hội chia sẻ những tài sản mình đang có. Tài sản đó có thể là tiền bạc, kiến thức, kinh nghiệm hay đơn giản chỉ là một lời khuyên khi người khác gặp bế tắc trong cuộc sống.
Hiện nay anh rất tích cực tham gia các buổi tiếp sức khởi nghiệp, đó phải chăng là một cách chia sẻ tài sản mình đang có?
Tôi không có nhiều tiền, chỉ có kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ cho các bạn trẻ. Tôi muốn các em thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình vì nhiều bạn ngại khó, ngại khổ nhưng cứ muốn làm giàu nhanh chóng.
Một số em hỏi tôi đã đọc những sách gì để thành công, tôi trả lời vui rằng: “Trong phim võ hiệp, nhân vật chính muốn thành công thì cần lăn xuống hố sâu, tự tìm bí kíp và luyện võ mà thành. Các bạn muốn thành công thì phải tự lăn xả vào gian khó, tự tìm cuốn sách phù hợp cho mình chứ sách thì rất nhiều, cuốn sách giúp người này thành công chưa chắc phù hợp với người khác”.
Gia đình thường nói tôi lo chuyện bao đồng nhiều quá. Thật ra, tôi chia sẻ cho người khác chỉ để bản thân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Có nhiều người luôn bi quan vì không tìm thấy điểm cân bằng của cuộc sống, giống như người tập đi xe đạp mãi không được vì không thể giữ thăng bằng.
Tôi rất thích bộ phim Eat, pray and love (Ăn, cầu nguyện và yêu), kể về người phụ nữ thành đạt Elizabeth Gilbert. Cô ta có một cuộc sống gần như hoàn hảo: sự nghiệp thăng hoa, người chồng đẹp trai, giàu có và một ngôi nhà tiện nghi. Vậy mà Elizabeth luôn cảm thấy bị mất phương hướng và không biết mình thực sự muốn gì trong cuộc sống.
Sau khi ly hôn, Elizabeth đứng trước bao lựa chọn cho một cuộc sống mới. Cô quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới để tự khám phá chính mình. Trong chuyến đi, cô phát hiện ra nhiều đam mê, nhiều hạnh phúc mà cô đã bỏ lỡ trong quá khứ. Nhờ có cuộc hành trình này mà Elizabeth đã tìm được sự cân bằng trong cuộc sống.
Ba năm theo đuổi mục tiêu kinh doanh, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi đã học được nhiều thứ, gặp được nhiều người giỏi, có những mối quan hệ mới, được chia sẻ nhiều hơn. Thử thách, áp lực vẫn luôn đặt lên vai mỗi ngày nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được sự thú vị và hạnh phúc. Có lẽ vì tôi cũng đã tìm thấy được sự cân bằng trong cuộc sống của mình.
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!
Xuân Lộc (DNSGCT)

Theo baodautu.vn