1.
Khó có thể tính đếm số lượng những chiếc cặp phao cứu sinh mà các doanh nghiệp, tổ chức, đã lựa chọn để làm quà tặng cho những học sinh vùng sông nước. Chỉ riêng Cơ quan Báo Đầu tư trong tháng 6 vừa qua cũng đã trao tặng 200 cặp phao cứu sinh cho học sinh vùng lũ lụt xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) với tổng trị giá 38 triệu đồng.
Cũng khó đong hết sự an tâm của người làm cha, làm mẹ và xã hội, trong đó có cả bà Đinh Thị Song Nga, khi thông tin tốt lành về những đứa bé thoát nạn sông nước nhờ chiếc cặp phao được lan truyền.






Doanh nhân Đinh Thị Song Nga, Giám đốc công ty TNHH Nam Thăng Long





“Khi quyết định phát triển sản phẩm này, chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ là nó sẽ cứu được những đứa trẻ đang phải đi đò, đi thuyền đến trường. Thảm cảnh 19 học sinh đuối nước tại bến đò Chôm Lôm, Con Cuông, Nghệ An với những chiếc cặp trôi dạt năm 2006 sẽ không bao giờ tái diễn”, bà Nga tâm sự về lý do tạo ra sản phẩm đã mang đến thương hiệu, uy tín và nhiều hơn thế cho Nam Thăng Long.
Tác giả của cặp phao mà Công ty Nam Thăng Long đang nắm bản quyền cũng là một học sinh, Lê Trọng Hiếu. Hiếu là con trai của bà Nga. Khi xem thước phim đau lòng ở Chôm Lôm, Hiếu đã đặt câu hỏi khiến bà và cả gia đình phải ngỡ ngàng: Nhà mình làm cặp, làm phao, sao không làm cặp phao cho các bạn?
Đúng là nghiệp của mẹ bắt đầu từ tấm lòng và sự sáng tạo của chính đứa con.
Từ câu hỏi đầy trắc ẩn, cậu bé 14 tuổi Lê Trọng Hiếu đã đoạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc” lần thứ 4 (năm 2008) với sản phẩm cặp phao cứu sinh cho học sinh vùng lũ. Chiếc cặp có cấu tạo để có thể nâng được trọng lượng tới 50 - 70 kg khi chẳng may người sử dụng rơi xuống nước. Đây cũng là sản phẩm được tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) tặng Huy chương Vàng, được trao giải Xuất sắc tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ lần thứ 5 tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2013. Năm 2014, sản phẩm này cũng được Hội đồng Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 28 tỉnh khu vực phía Bắc do Bộ Công thương tổ chức chọn là một trong 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực...
Còn với bà Đinh Thị Song Nga, bà trở thành Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long vào năm 2005 từ một tổ hợp sản xuất cặp túi xách. Những sản phẩm cặp phao cứu sinh mang thương hiệu Nam Thăng Long đầu tiên ra đời vào năm 2006. Khách hàng lớn đầu tiên là Viettel với đơn đặt hàng lên tới 4.000 chiếc...
Cho đến thời điểm này, Nam Thăng Long đã có nhiều sản phẩm liên quan đến an toàn sông nước. Bên cạnh cặp phao, còn có áo phao tiện dụng, thuyền chống lật chống chìm. Cả ba sản phẩm này đều được bà làm hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền…
Bà Nga cũng đã quyết định xây dựng nhà máy công suất 500.000 sản phẩm/năm, đang đa dạng sản phẩm hơn, từ cặp học sinh, đến các loại ba lô, vali, túi xách và các sản phẩm nhựa composite…
2.
Bà Đinh Thị Song Nga từng là cô giáo. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm, 22 năm đứng bục giảng, vậy mà bà lại quyết định rẽ ngang vào nghề kinh doanh..
“Tôi muốn thử sức, tôi muốn thỏa mãn ước mơ của trẻ thơ về những chiếc cặp đẹp đẽ, không còn phải dùng những chiếc cặp mỏng tang, xộc xệch”, bà Nga tâm sự.
Đúng là kế hoạch kinh doanh mang đậm suy tính của một giáo viên. Nhưng nhiều khi người tính không bằng trời tính. Những năm đầu sản xuất, cặp học sinh gắn logo Nam Thăng Long mà bà dành nhiều tâm sức để cân nhắc, lựa chọn không đến được những đứa trẻ tuổi đến trường như vị giám đốc Công ty Nam Thăng Long mong muốn.
Lúc đó, thị trường quen với hai loại hàng. Một là, hàng Trung Quốc và hai là, hàng gắn thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bất kể đó là hàng nhái. Hàng nội, lại còn mang thương hiệu nội gần như không có chỗ đứng. Ngay cả các nhà phân phối hàng ở Việt Nam vào thời điểm đó cũng rất quyền lực, nắm trong tay chìa khóa mở các cánh cửa thị trường. Bởi vậy, hiếm nhà sản xuất nào dám làm phật lòng họ.
“Chúng tôi đã gắn nhãn Nam Thăng Long vào sản phẩm rồi chuyển cho họ bán, thì đều bị giật ra, tự gắn nhãn khác vào cũng phải chấp nhận”, bà Nga kể về một thời phải chấp nhận cảnh “hồn Trương Ba da hàng thịt” để vào thị trường.
Nhưng bà kể, việc tạo lập thương hiệu dù lúc đó khá mơ hồ với người kinh doanh, không có nhiều đơn vị tư vấn như bây giờ, nhưng bà thấy vẫn cần phải tạo ra cái tên để người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm của mình và cũng để chính người kinh doanh vì những tâm huyết gửi gắm trong sản phẩm mà vượt qua những chặng đường kinh doanh vốn hiếm khi trải đầy hoa hồng.
Mọi việc thay đổi hoàn toàn khi cặp phao Nam Thăng Long ra đời. Sản phẩm này đã khiến cả bà Nga và Công ty Nam Thăng Long xoay sang hướng phát triển mới, đó là cái gì tốt cho xã hội, thì sẽ tốt cho doanh nghiệp và chính những người kinh doanh.
Sau này, bà mới biết doanh nghiệp xã hội là xu hướng phát triển trên thế giới, hướng đến sự phát triển bền vững.
3.
Hướng đi này của Công ty TNHH Nam Thăng Long đã được sự ủng hộ kịp thời của Quỹ 3 Creek Foundation (3CF) của Mỹ. Tổ chức thực hiện Chương trình đầu tiên của mình liên quan đầu tư (PRI) tại Việt Nam đã thông báo sẽ đầu tư kinh phí cho Nam Thăng Long từ tháng Giêng năm 2015.
PRI này của 3 Creek Foundation có thời hạn 2 năm với mục đích giúp Nam Thăng Long mở rộng thêm một cơ sở sản xuất nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Nga nói, khoản hỗ trợ này đủ để bà xây thêm nhà máy mới.
Thực ra, Nam Thăng Long là một cái tên khá quen thuộc với tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam từ nhiều năm trước.
Cuối năm 2010, Công ty cũng đã được Chương trình Thriive cho vay với lãi suất 0%. Đây là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất, phát triển kinh doanh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
Mục tiêu của khoản vay là giúp doanh nghiệp tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm và tạo ra những tác động xã hội tích cực. Vốn vay được hoàn trả bằng việc trao tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đào tạo nghề từ thiện cho cộng đồng.
“Lúc đó, có vốn là cơ hội vô cùng quý, bởi các doanh nghiệp đều đang điêu đứng vì lãi suất ngân hàng tăng khủng khiếp (có đợt tới 20 - 24%/năm). Chúng tôi đã quyết định dùng ngay nguồn vốn quý báu này để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất. Một năm sau, người lao động tăng 70%, doanh thu tăng 100%, lương công nhân bình quân tăng 30%. Đặc biệt, chúng tôi tạo được việc làm cho những người phụ nữ khuyết tật, có sức khỏe kém trong vùng”, bà Nga nhớ lại.
Năm 2013, sau 3 vòng tuyển chọn với 89 hồ sơ đăng ký tham dự bình chọn là doanh nghiệp xã hội, Nam Thăng Long đã được Hội đồng Bình chọn của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) bình chọn là một trong 14 doanh nghiệp xã hội và được nhận hỗ trợ từ chương trình.
Hiện giờ, tình thế cũng đang rất thuận để bà Nga thực hiện các tham vọng về tương lai sẽ không còn học sinh đuối nước vì thiếu các phương tiện cứu sinh như trước, sẽ có thêm việc làm cho những người nông dân lúc nông nhàn.
Đến cuối năm 2014, thị phần cặp phao cứu sinh đã mở rộng thêm 10% và tiến tới thị trường xuất khẩu mới của một số quốc gia trên thế giới. Những tổ chức tìm đến đặt hàng cặp phao cứu sinh không chỉ là các đơn vị trong nước…
Lúc này, hỏi bà Nga nghĩ gì, bà nói: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để sản xuất các loại bể bơi mini để dạy trẻ biết bơi, chống đuối nước bền vững, sáng tạo thuyền chống lật, chống chìm và cả cặp phao cứu sinh với giá thành rẻ hơn, phù hợp với khả năng chi trả của gia đình nghèo”.
Bà cũng đang tính đẩy mạnh các kênh phân phối trực tiếp tới các vùng hẻo lánh, xa xôi để đối tượng sử dụng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn; phối hợp với các đối tác tổ chức các truyền thông nâng cao nhận thức cho người sử dụng, cũng như các đối tượng liên quan trong xã hội để việc sử dụng cặp phao cứu sinh trở nên phổ biến, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em.
“Phải làm sao để các học sinh nghèo đến trường an toàn. Thuyết phục thế nào để các em lên đò, lên thuyền là phải đeo cặp phao cứu sinh. Chúng tôi sẽ phải làm bằng được những phần việc này”, bà Nga tâm sự.
Trong kế hoạch tới đây của Giám đốc Đinh Thị Song Nga, bóng dáng của người giáo viên dường như ngày càng đậm hơn.
Trao đổi với bà Đinh Thị Song Nga

Với bà, khởi nghiệp kinh doanh có khó khăn không?
Khó khăn là đương nhiên, nhưng điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là khát vọng.

Kinh nghiệm kinh doanh của bà?
Hãy tìm hiểu về quy luật giá trị trong kinh doanh, phương pháp luận sáng tạo và đổi mới để có tư duy đột phá, sản phẩm độc đáo, cách tiếp cận sáng tạo và đầu tư hiệu quả.

Theo bà, những cuốn sách nào không nên bỏ qua?
“Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” của thầy Phan Dũng (7 tập). “Chiến lược đại dương xanh” của W.Chan Kim - Renée Mauborgne và “Luật Sở hữu trí tuệ”.
Linh An

Theo baodautu.vn