Sự chuẩn bị của người dẫn đầu
Theo ông Sáng, nếu như giai đoạn 2007-2008, Minh Long 1 xuất khẩu đến 70%, thị trường nội địa chỉ chiếm 30%, thì hiện nay tỷ lệ đó đã được hoán đổi.
Bất chấp sự cạnh tranh gốm sứ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc trong nhiều năm qua, Minh Long 1 chỉ nâng cấp công suất dây chuyền sản xuất lên 30% mỗi năm và do đó, dù hàng năm Công ty vẫn ra các mẫu mã mới cho thị trường trong nước, nhưng áp lực từ cầu luôn khiến các đại lý trong tình trạng “đói” hàng.











Ngoài việc chủ động điều tiết cung cầu, Minh Long 1 còn định hướng tạo sức mạnh bằng chú trọng nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Về chất lượng, ông Sáng cho biết, bằng việc nâng cao chất lượng cốt và men phủ, một sản phẩm Minh Long vẫn bóng, đẹp sau 4 năm sử dụng. “Tôi khá chắc chắn, khách hàng mua sản phẩm Minh Long 1 là vì mẫu mã mới ra chứ không phải vì các mẫu trước đó đã hư”, ông Sáng nói.
Theo dõi quá trình tiêu thụ sản phẩm tại tất cả các thị trường, ông Sáng nhận thấy. mỗi thị trường có một đặc tính riêng, như người châu Âu thì thích họa tiết đơn giản trên các sản phẩm gốm sứ, người châu Á thì thích nhiều họa tiết hơn và giá cũng là một yếu tố. Chính vì thế, để phù hợp với gu thẩm mỹ của từng thị trường, Minh Long 1 cụ thể hóa phương châm “chỉ có người bản xứ mới hiểu văn hóa quốc gia của họ” bằng việc sử dụng đội ngũ họa sỹ “đa quốc gia” đến từ Mỹ, Đức, Pháp…, để thiết kế mỹ thuật cho sản phẩm cho Công ty
Áp lực cạnh tranh về giá luôn là điều ám ảnh các công ty Việt Nam, nhưng ông Sáng lại có một cách nhìn hoàn toàn khác, theo ông, hầu hết hàng gốm sứ nhập vào Việt Nam đều theo đường tiểu ngạch, nên việc giảm thuế suất về 0% cũng “không nhiều ý nghĩa”.
Cùng với “tư thế sẵn sàng hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, Công ty đã có kế hoạch điều chỉnh tăng tỷ lệ xuất khẩu vào năm sau, với những thay đổi mang tính chiến lược. Đó là, gia tăng các hợp đồng nhỏ và giảm bớt các điều khoản đối với đại lý Minh Long 1 ở thị trường nước ngoài, như giảm doanh số bắt buộc chẳng hạn. Ông Sáng cho biết, có khá nhiều đại lý ở châu Âu đáp ứng tiêu chí kể trên đang liên lạc với Công ty.
Dấu ấn người kế thừa
Bên cạnh tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Minh Long 1 còn chú trọng đầu tư vào việc quản trị doanh nghiệp.
Có thể nói, nếu như ông Lý Ngọc Minh, người sáng lập Minh Long 1 là người đưa sản phẩm gốm sứ Minh Long đạt chất lượng sánh ngang thế giới, thậm chí là vượt trội với công nghệ gốm vẽ tay ở nhiệt độ 1230 độ C đến 1250 độ C, thì ông Lý Huy Sáng là người đặt những viên gạch đầu tiên về số hóa hệ thống quản trị của Công ty.
Ông Sáng cho rằng, thông tin chính xác và liên tục sẽ giúp việc quản trị tốt hơn, doanh nghiệp có phản ứng kịp thời với sự cố. Hiện nay, Minh Long 1 tự phát triển các phần mềm dùng cho việc quản trị và hoạch định nguồn nhân lực của doanh nghiệp từ kế toán, xuất nhập, hàng tồn kho… Hàng năm, Công ty đều trích 2-2,5% tổng doanh thu để đầu tư cho công nghệ thông tin.
Bắt đầu đầu tư năm 2003, ông Sáng bắt tay thiết kế hệ thống mạng nội bộ cho Công ty Minh Long 1. Sau đó, bắt đầu ứng dụng từ các phần mềm cơ bản để báo cáo như Excel, Access đến các giải pháp chuyên nghiệp.
Khi doanh số xuất khẩu của Công ty tăng mạnh, công nghệ thông tin đã thế chỗ cho sự bất lực của phương pháp thủ công trong quản lý các đơn hàng nhỏ, lẻ là một ví dụ điển hình về sự hữu dụng của hệ thống mà ông Sáng đầu tư.
Mối lương duyên công nghệ
Đam mê công nghệ đến với ông Sáng một dịp rất tình cờ. Năm học lớp 9, ông Sáng đọc được bài báo về khả năng máy tính có thể biết đàn, biết chơi cờ, chơi trò chơi… Lúc đó ông rất tò mò vì sao một chiếc máy có thể làm được như vậy và xin gia đình mua dùng thử.
Ông còn nhớ lúc đó khoảng năm 1990, máy tính sử dụng hệ điều hành MS-DOS, tức chỉ sử dụng câu lệnh chứ không có giao diện dễ sử dụng như hiện nay. Ông gõ vào dòng lệnh “chơi game”, máy báo lỗi. Kiên nhẫn, ông gõ tiếp dòng lệnh “chơi cờ”, máy tiếp tục báo lỗi.
Hôm sau, ông gọi điện cho nhân viên đến bảo trì và được giải thích rằng, máy tính muốn thực hiện các tác vụ nào đó phải có phần mềm hỗ trợ. Không lâu sau đó, Liên hợp quốc tài trợ cho Trường Trịnh Hoài Đức một số máy nhưng chỉ ưu tiên cho nhóm giỏi Toán. Vốn nằm trong đội tuyển Toán của trường, ông Sáng được tiếp cận các ngôn ngữ lập trình cơ bản và “nghiện” luôn từ đó.
“Cảm giác ra lệnh máy làm theo ý mình thật thú vị”, ông Sáng nói.
Người ta nhắc tới ông Sáng như là người kế thừa sáng giá, nhưng ít ai biết rằng, ông cũng đảm nhiệm vị trí kiến trúc sư trưởng hệ thống công nghệ của Minh Long 1.
Giờ đây, ứng dụng công nghệ đã là một phần hoạt động của Minh Long 1 vì theo ông Sáng, kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ điều hành đi trước, Công ty luôn tìm cách sáng tạo để duy trì vị trí dẫn đầu.
Công Sang

Theo baodautu.vn