Nữ doanh nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế



Về mặt chính trị, phụ nữ ngày càng đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, xã hội của đất nước. Lần đầu tiên, Đại hội lần thứ VII của Đảng đã có một nữ ủy viên Bộ Chính trị, một người là ủy viên Ban Bí thư; hiện nay có hai ủy viên Bộ Chính trị. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã liên tiếp có Phó chủ tịch nước là nữ.
Trong Ban Chấp hành Trung ương hiện nay đã có 9 vị là phụ nữ. Trong Quốc hội có 2 nữ phó chủ tịch, 2 nữ chủ nhiệm ủy ban. Trong Chính phủ có 2 nữ bộ trưởng, có hàng chục thứ trưởng và tương đương…
Trong tổng số đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu chiếm 24,4% - cao thứ 2/11 nước ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ 43/200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại biểu nữ đạt tỷ lệ 25%.
Mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới thời kỳ 2011-2020, một số tỷ lệ còn cao hơn (cấp ủy Đảng 2016-2020 từ 25% trở lên, Hội đồng nhân dân các cấp 2011-2015 từ 30% trở lên; từ 2016-2020 đạt từ 35% trở lên; Bộ, UBND có lãnh đạo chủ chốt là nữ đến 2015 bằng 80%, đến 2020 đạt trên 95% so với nam giới...
Về mặt kinh tế, nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động đang làm việc (48,6%). Tỷ lệ lao động nữ đang làm việc so với tổng dân số nữ hiện đạt cao hơn tỷ lệ của năm 2005 (56,1% so với 49,8%). Trong tổng số lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp cũng cao hơn của năm 2005; nữ giới chiếm tỷ trọng đông nhất ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (66,7%). Nữ chiếm 37,1% số lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và chiếm 31,6% số lao động ở các doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng lao động nữ ở các ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản, dệt may… còn cao hơn. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 20%, làm chủ hộ chiếm 22,4%...
Về mặt giáo dục, đào tạo, nữ giới chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối với giáo viên ở hệ mầm non, tỷ lệ cao ở phổ thông (70,2%, trong đó tiểu học 75,6%, trung học cơ sở 67,8%, trung học phổ thông 61,5%); ngang ngửa với nam giới ở hệ đại học, cao đẳng. Nữ sinh chiếm ngang ngửa với nam sinh ở các cấp học, bậc học; riêng trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp nữ giới còn chiếm tỷ trọng cao hơn (53,2% và 53,7%). Bình đẳng giới về mặt này đạt được sự tiến bộ rõ nhất.
Các kết quả trên được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu thống kê, trong đó có chỉ số bất bình đẳng giới (GII). Chỉ số này càng gần 0 càng tốt, càng gần 1 càng kém và được nhận diện trên 3 mặt: Một là, Việt Nam có GII thuộc loại khá thấp trong khu vực (đứng thứ 3/9), ở châu Á (đứng thứ 9/38), trên thế giới (48/145); Hai là, thứ bậc về GII tốt hơn khá nhiều thứ bậc về HDI (chỉ số phát triển con người). Ba là, chỉ số và thứ bậc về GII đã giảm xuống qua các năm, chứng tỏ tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã thu hẹp tương đối nhanh, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao (là quốc gia chuyển biến nhanh nhất trong 20 năm qua).
Tuy vậy, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh đã tăng tương đối nhanh (từ 105,6 bé trai/100 bé gái năm 2005 lên 112,2/100 năm 2014). Một số tệ nạn như bạo lực gia đình, mại dâm, buôn bán phụ nữ… diễn ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm qua 3 nhiệm kỳ nay. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, bộ, ngành và Chính phủ còn thấp.
Minh Nhung

Theo baodautu.vn