Len lỏi ở phân khúc trung cấp Các sản phẩm mang thương hiệu Rock & Annie của Công ty Anh Khoa trong những năm qua được các tập đoàn bán lẻ lớn ở E.U như ****** group, MGB, Scavi, Victoria… rất ưa chuộng. Sau khi thành công với nội y nam, Anh Khoa tấn công vào thị trường nội y nữ 13 năm trước, Anh Khoa được thành lập. Ban đầu, công ty này chỉ làm thương mại đơn thuần. Nhưng khi xã hội phát triển, nhu cầu mặc đẹp hơn của con người ngày càng được chú trọng. Thời trang không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà làm người dùng tự tin hơn. Đặc biệt, thị trường ngách như đồ nội y bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Anh Khoa quyết định chuyển sang sản xuất đồ nội y từ năm 2005 và trở thành một trong những doanh nghiệp Việt sớm nhập nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. Tuy nhiên, dòng sản phẩm đầu tiên mà công ty này lựa chọn làm lại không dành cho nữ giống như các thương hiệu khác, mà bắt đầu từ nội y dành cho nam, với thương hiệu Rock. Lý giải về hướng đi này, bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc điều hành Công ty Anh Khoa cho hay, do Công ty không đủ nguồn lực để làm cùng lúc 2 thương hiệu cho nam và cho nữ. Trong khi một chiếc áo lót nữ phải sử dụng đến 43 nguyên phụ liệu, cần vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật, thiết kế cũng rất phức tạp. Song quan trọng là, tín hiệu thị trường, lúc đó, đồ lót nam còn bỏ ngỏ. Thị trường đồ lót nói chung tranh tối tranh sáng, nhất là ở phân khúc bình dân. Tại các chợ đầu mối ở TP.HCM như An Đông, Kim Biên, Bình Tây… chủ yếu là hàng Trung Quốc, với mức giá chỉ vài ngàn đồng một cái. Ngoài ra, theo bà Hoa, đồ nội y cho nam nếu bị lỗi, thì vẫn còn cơ hội để sửa, nhưng một cái áo lót nữ bị lỗi, thì không sửa được, vì giá thành rất cao, nên dễ phải đóng cửa hàng. Sau một thời gian “lên bờ xuống ruộng”, Rock đã có chỗ đứng trên thị trường. Công ty này vừa tập trung vào làm đồ nội y cho nữ với thương hiệu Annie. Hiện mức độ nhận diện thương hiệu Annie chỉ bằng 70-80% so với Rock. Trong khi đó, Công ty cổ phần May Sơn Việt sau khi thành công với thương hiệu đồ nội y RELAX, đã bắt đầu đẩy mạnh sang sản phẩm dành cho nữ. Năm 2014, Sơn Việt đã rót 1 triệu USD xây thêm nhà máy thứ ba chuyên sản xuất, may mặc đồ lót dành cho nữ, tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), với công suất khoảng 200.000 sản phẩm/tháng. Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt cho hay, Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất đồ lót nữ. Cả ba phân khúc cao, trung và thấp đều bị các nhãn hiệu nước ngoài chiếm lĩnh. Hiện tại, May Sơn Việt có 2 nhà máy hoạt động hết công suất, để cung ứng cho thị trường nội địa trên 50% sản lượng (với hai thương hiệu chính là RELAX và CAMEL), còn lại xuất khẩu (nhãn hiệu RELAX) sang hầu hết các nước Đông Nam Á và Brazil. Bên cạnh đó, Công ty cũng làm thêm hàng gia công xuất đi Đức, Mỹ. Tham vọng ở phân khúc cao cấp Với thị trường gần 90 triệu dân và đặc biệt là với khí hậu nóng ẩm, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất đồ nội y trong và ngoài nước. Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quan tâm đến thời trang nội y. Theo tính toán của ông Hà Xuân Anh, nếu chỉ tính người trong độ tuổi sử dụng trung bình 12 sản phẩm (áo và quần) mỗi năm và giá trung bình một sản phẩm khoảng 60.000 đồng, thì doanh thu toàn thị trường đã đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng sản phẩm giá 50.000-100.000 đồng dành cho giới trung lưu là phân khúc đang diễn ra cạnh tranh gay gắt. Nổi lên trong số này là các thương hiệu Relax, Seahorse, J-Buss, Rock, Rosso, Vonze, Yes. Các hãng quốc tế cũng không bỏ qua phân khúc này, với sự góp mặt của các thương hiệu như Jockey (Mỹ) và Gunze (Nhật Bản). Trong bối cảnh ngành sản xuất đồ nội y Việt Nam đi sau hàng chục năm so với nhiều nước, do chưa được nhìn nhận là một ngành thời trang thực thụ, nên hầu hết các thương hiệu trong nước đều phải tham gia làm hàng gia công xuất khẩu cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Song điều đó cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành công về thiết kế, kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân thuộc loại nhỏ và vừa, trên con đường phát triển cũng gặp nhiều trở ngại, thách thức về nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm và nguồn nhân lực thạo nghề. Nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp này bỏ cuộc. Bởi cuộc chơi hội nhập TPP đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp ngành may mặc. Bà Ngô Ngọc Hoa cho rằng, giờ không thể làm nhỏ lẻ được nữa, muốn vậy, phải làm xuất khẩu sản phẩm của mình. Từ trước đến nay, Công ty Anh Khoa chủ yếu làm phân khúc trung bình, hướng vào thị trường nội địa. Nhưng giờ đây, muốn làm những sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn, không chỉ bán ở thị trường nội địa, mà phải nhắm tới khu vực Đông Nam Á. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp tính đến mô hình liên kết với các đối tác nước ngoài. Bà Hoa kỳ vọng, sẽ có nhà đầu tư đồng hành để cùng phát triển và Công ty sẵn sàng liên kết với nhà đầu tư có nhu cầu. “Họ có thể đầu tư bằng vốn, công nghệ, nhượng quyền kênh phân phối… Nhưng dù liên kết như thế nào, tôi vẫn mong muốn đứng trên vai người khổng lồ, để rút ngắn quá trình phát triển, với mục tiêu khẳng định vị thế kinh doanh của người Việt”, bà Hoa nói. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cần phải giải quyết được bài toán nguyên phụ liệu. Trước đây, thị trường nguyên phụ liệu rất khó khăn. Ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam thường nhập từ Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư nhiều và các doanh nghiệp Việt cũng vươn lên, làm ra các nguyên phụ liệu có chất lượng tốt, nên việc nhập nguyên phụ liệu cũng giảm đi. Chẳng hạn, tỷ lệ hiện nay của Công ty Anh Khoa là 60% trong nước và 40% nhập ngoại. Việc giảm dần tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu giúp doanh nghiệp tránh nhiều rủi ro về địa lý, giá thành giảm, cắt giảm thủ tục hành chính khi nhập khẩu. Hiện nay, các kênh phân phối tại các siêu thị trung tâm thương mại đang chiếm ưu thế. Nhưng thực tế là, kênh phân phối này chỉ giúp các thương hiệu mạnh về tạo dựng hình ảnh, còn doanh số, thì phụ nữ vẫn khá gắn bó với kênh truyền thống là các chợ. Hiện tỷ lệ của Anh Khoa là 50 -50 ở 2 kênh này, nhưng bà Hoa cũng thừa nhận kênh truyền thống rất khó làm, vì thị trường tràn lan hàng Trung Quốc giá rẻ, hoặc hàng giả, hàng nhái. Mặc dù vậy, với tiềm năng của thị trường nội y được đánh giá là rất lớn trong thời gian tới, vẫn khiến các doanh nghiệp quyết tâm “chinh chiến”. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn sau thời gian chinh chiến ở thị trường nước ngoài, hiện đã quay về thị trường nội địa. Nhưng để chiếm lĩnh thị phần nội địa là không đơn giản và muốn thành công, thực sự phải kiên nhẫn. <em itemprop='author'> Anh Hoa - Hồng Sơn [/I]
Anh Hoa - Hồng Sơn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: