Ông Wong Hao Tung, Tổng giám đốc CSVC cho hay, thời gian qua CSVC đã cố gắng phát triển thị trường nội địa và gia tăng bán hàng trong khi phải cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ, chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi vậy Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN (Thông tư 44), quy định quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu, nhằm kiểm soát tình trạng thép kém chất lượng tràn lan trên thị trường ra đời là rất kịp thời. Sumikin Việt Nam tố cáo hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp tạm nhập các mặt hàng thép mạ kẽm Nhưng có Thông tư 44, thép nhập khẩu kém chất lượng vẫn tiếp tục gia tăng. Thống kê xuất khẩu của Nhật Bản với mặt hàng mạ kẽm loại 2, mã HS 7210.49.00 và 7212.20.01, nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2014 chỉ giảm xuống vào tháng 6, sau đó gia tăng ngay trở lại vào tháng 7. “Với những sản phẩm loại 2 như vậy không có chứng chỉ chất lượng, do đó những nhà nhập khẩu có thể tạo ra những chứng chỉ chất lượng giả để được thông quan”, khuyến nghị của CSVC do ông Wong Hao Tung, Tổng giám đốc ký cho hay. Đặc biệt, nhà sản xuất này đã “nghe thấy” thông tin tiêu cực, liên quan đến tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp khi tạm nhập, tái xuất các mặt hàng thém mạ kẽm, thép mạ hợp kim nhôm kẽm, thép mạ màu từ Trung Quốc. Cụ thể, theo thông tư 162/2011/TT-BTC về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc giai đoạn 2012-2014, thuế suất thuế nhập khẩu năm 2014 của mặt hàng thép mạ kẽm (mã HS 7210.49.12 và 7210.49.13) là 10-15%; mặt hàng thép mạ hợp kim nhôm kẽm (mã HS 7210.61.11 và 7210.61.12) là 5%; mặt hàng thép mạ mầu (mã HS 7210.70.10 và 7210.70.90) là 0%. Tuy nhiên, tại Thông tư 219/2013/TT-BTC và Thông tư 218/2013/TT-BTC cũng quy định, hàng hóa tạm nhập – tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và được hoàn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu. Với mục đích trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, có những doanh nghiệp đã thực hiện hành vi gian lận thương mại thông qua hình thức tạm nhập các sản phẩm thép mạ kẽm, mạ hợp kim nhôm và mạ màu kém chất lượng từ Trung Quốc để tái xuất qua nước thứ 3 trong khu vực như Lào, Campuchia, Bangladesh. Tuy nhiên trên thực tế lại không tái xuất toàn bộ lượng thép tạm nhập này mà lại tiêu thụ trong nước phần lớn. Để hợp thức hóa giấy tờ cho lượng thép tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp có hướng làm thủ tục xuất khống trên giấy tờ qua Lào và Campuchia. Với cách này, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế nhập khẩu và không phải đóng thuế giá trị gia tăng. Hệ quả là sản phẩm thép mạ kẽm được tạm nhập khi bán sẽ rẻ hơn 20-25% so với hàng sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thép mạ hợp kim nhôm kẽm sẽ rẻ hơn 15% và hàng thép mạ màu thì rẻ hơn 10%, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh về giá bán. Không chỉ cạnh tranh về giá, thép thuộc diện tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng không phải kiểm tra chất lượng thép theo Thông tư 44. Vì thế khi lượng thép này tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ khiến người tiêu dùng phải sử dụng hàng kém chất lượng. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã yêu cầu Tổng cục Hải quan tiến hành xác minh, rà soát các vấn đề liên quan mà CSVC kiến nghị để sớm có câu trả lời với doanh nghiệp, đồng thời báo cáo lại Trưởng ban Ban chỉ đạo. <em itemprop='author'> Thanh Hương [/I]
Thanh Hương

Theo baodautu.vn