Theo phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ quốc hội, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu áp dụng từ ngày 1/5/2015 sẽ có mức tăng lớn, tới 2.000 đồng/lít xăng các loại, trừ xăng E5. Thay đổi thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu không cùng tỷ lệ khiến doanh nghiệp lo mất bộn tiền Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư số 165/2014/TT-BTC về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế suất ưu đãi đặc biệt với xăng dầu có xuất xứ từ ASEAN áp dụng từ ngày 1/1/2015 có chênh lệch lớn so với biểu thuế ưu đãi đang áp dụng. Cụ thể mức chênh lệch giữa xăng dầu có xuất xứ trong khu vực ASEAN và ngoài ASEAN lên tới 15-35%. Ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex cho hay, qua thông tin đại chúng, Petrolimex được biết, để ổn định giá bán xăng dầu, liên Bộ Công thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giảm thuế xuất nhập khẩu và tăng thuế bảo vệ môi trường (khi giá thế giới thuận lợi). “Việc thay đổi chính sách thuế tại cùng thời điểm sẽ ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh của các thương nhân đầu mối xăng dầu”, ông Thịnh cho hay. Theo Petrolimex, với quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày. Trong khi đó, thuế nhập khẩu được thu ngay từ khi thông quan (đầu vào), trong khi thuế bảo vệ môi trường thu khi xăng dầu bán ra tới người tiêu dùng (đầu ra). Vì thế khi tăng/giảm thuế nhập khẩu tại cùng một thời điểm, hàng tồn kho theo quy định (30 ngày) sẽ phải chịu 2 lần thuế. Đó là thuế nhập khẩu theo mức cũ và thuế bảo vệ môi trường theo mức mới. “Với lượng hàng tồn kho của Petrolimex bình quân khoảng 1 tháng, lượng này đã thông quan và nộp thuế nhập khẩu theo thuế suất trước thời điểm thay đổi thuế xuất nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường mới. Vì vậy, lượng hàng tồn kho này nếu không được xử lý sẽ phải nộp bổ sung, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn khoảng 800-900 tỷ đồng”, ông Thịnh phân tích và cho hay, việc liên bộ điều hành thay đổi thuế, bình ổn giá, giá bán theo giá cả thế giới là bình thường, nhưng việc tăng, giảm tỷ lệ/mức của hai sắc thuế tại một thời điểm là chưa có tiền lệ. Để giảm thiểu rủi ro từ việc thay đổi chính sách của nhà nước với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Petrolimex cũng đã kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính có lộ trình giảm thuế xuất nhập khẩu (cùng tỷ lệ), trước thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường là 30 ngày, bằng đúng yêu cầu tồn kho theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, để các doanh nghiệp đầu mối bán hết lượng tồn kho đã nộp thuế xuất nhập khẩu theo mức thuế suất cũ. Trường hợp tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế xuất nhập khẩu tại cùng thời điểm thì các thương nhân đầu mối thực hiện kiểm kê hàng hóa thực tế tại thời điểm áp dụng chính sách thuế mới. “Nhà nước cho phép doanh nghiệp sử dụng thuế bảo vệ môi trường hoặc từ quỹ bình ổn giá hoàn lại toàn bộ phần chênh lệch giữa mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường mới và thuế suất cũ, tương ứng với lượng hàng tồn khi kiểm kê theo lít thực tế”, là đề xuất của Petrolimex. Hiện cả nước có khoảng 19 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu với khối lượng xăng dầu nhập khẩu mỗi năm là khoảng 8 - 9 triệu tấn, chưa kể phần mua của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở trong nước. Tuy nhiên, thị phần của Petrolimex là lớn nhất với khoảng 45-50%, tùy thời điểm. <em itemprop='author'> Thanh Hương [/I]
Thanh Hương

Theo baodautu.vn