Theo Luật số 71/2014/QH1 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật thuế số 71), có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, nghĩa là khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào khác, doanh nghiệp sản xuất phân bón vẫn phải mua với giá có thuế VAT, còn khi bán sản phẩm lại không được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải tính phần không được hoàn thuế VAT đầu vào trong giá thành sản phẩm.






Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị ảnh hưởng kép





“Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị ảnh hưởng kép bởi không được khấu trừ đầu vào, trong khi lại phải giảm giá đầu ra để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu”, là nhận xét của ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Cụ thể, với phân bón nhập khẩu, do không phải chịu 5% VAT đầu vào, thì chỉ cần giảm giá 1-2% đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước. Như vậy chính sách này chỉ có mỗi phân bón nhập khẩu là có lợi.
“Nếu phân bón ngoại nhập lấn lướt phân bón sản xuất trong nước thì sản xuất nông nghiệp sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón nhập khẩu”, đại diện của Vinachem nhận xét.
Theo tính toán của ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông (Thanh Hóa), mỗi năm nông dân Việt Nam chi khoảng 110.000 tỷ đồng mua phân bón. Nếu VAT bằng 0% sẽ giúp cho nông dân bớt được khoảng 5.500 tỷ đồng, nghĩa là Chính phủ bỏ tiền ra cho nông dân thông qua hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm và sòng phẳng giữa hàng trong nước và nhập khẩu. Còn nếu phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT thì doanh nghiệp trong nước bị đội giá thành chắc chắn sẽ tính chuyện tăng giá bán để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Cuối cùng nông dân lại chịu tăng giá.
Chia sẻ tâm trạng này, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên DAP – Vinachem cho hay, tháng 9/2014, khi xây dựng kế hoạch năm 2015, Công ty ước lãi năm 2015 khoảng 70 tỷ đồng, nhưng khi áp Luật Thuế số 71, công ty tính toán lại thì thấy tăng chi phí 223 tỷ đồng. Nếu có tiết giảm chi phí thì cũng chỉ được tối đa 20 tỷ đồng, vẫn lỗ 130 tỷ đồng. “Lỗ thì không có lương cho người lao động. Từ đầu năm 2015 tới nay đã có vài chục người lao động xin thôi không làm việc nữa bởi lương không đủ sống”, ông Sinh nói.
Thừa nhận thực tế các doanh nghiệp mới đầu tư sẽ gặp khó khăn hơn so với các nhà máy đã hết khấu hao bởi không được trừ thuế cho máy móc, thiết bị đầu vào, Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho hay, có những nguyên liệu đầu vào chịu thuế VAT là 10%, khi sản xuất phân bón đầu ra được khấu trừ thuế VAT 5% thì còn đỡ, còn không được khấu trừ như Luật Thuế 71 thì chi phí tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng, tức là 1 kg ure bị tăng thêm 500 đồng.
“Hiện trong nước đã có 4 nhà máy đạm với năng lực sản xuất trên 2 triệu tấn, đã dư thừa so với nhu cầu trong nước, vì vậy từng nhà máy đã tiết giảm chi phí mạnh để bán được hàng và cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại từ Indonesia, Trung Quốc. Nghĩa là tự doanh nghiệp đã phải tính toán, tiết giảm chi phí sản xuất để có hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho hay và e ngại, với thực tế không được khấu trừ VAT đầu vào, doanh nghiệp cũng đang tính chuyện rất bất đắc dĩ là cắt giảm lương của người lao động.
“Chúng tôi nghe nói doanh nghiệp phân bón của Trung Quốc được chính phủ nước họ hỗ trợ 25% chi phí, rồi việc vận chuyển đi tiêu thụ đến các tỉnh biên giới gần Việt Nam cũng được hỗ trợ 50%. Nếu quả đúng vậy sẽ càng là áp lực cho sản xuất phân bón trong nước”, ông Ninh cho biết.

Hoàng Nam

Theo baodautu.vn