Xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải của Việt Nam trong quý I/2015 đạt 5,625 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, hàng dệt may đạt 4,795 tỷ USD, tăng 8%, xuất khẩu vải 229 triệu USD, tăng 30%, xơ sợi đạt 575 triệu USD…
Điều đáng nói, trong kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường các nước đang đàm phán TPP chiếm tới 65% trong tổng kim ngạch, với 3,4 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.








Thị trường Mỹ vẫn giữ vị trí quán quân về nhập khẩu với hơn 2 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản hơn 500 triệu USD, Canada 80 triệu USD, Australia 30 triệu USD, Chile, Mexico, Singapore…
Thực trạng trên cho thấy, sự biến động trong khu vực thị trường này sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may hiện tại và tương lai.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong số các ngành hàng, dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế khi TPP có hiệu lực, chỉ riêng Mỹ đã chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 11%. Dệt may đang chịu khoảng 1.600 dòng thuế, thì có tới 1.000 dòng thuế từ Mỹ.
“Tất nhiên, để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh lâu dài”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết.
Như vậy, khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì 17-20% như hiện nay. Các doanh nghiệp đã tính toán, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm hiện tại.
Tuy nhiên, đó mới là các dự báo mang tính “bốc thuốc”. Vì kèm theo việc giảm thuế về 0%, hoặc theo lộ trình thuế ưu đãi giảm dần, khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước có tham gia TPP là nguyên liệu phải được sản xuất tại nước sở tại, hoặc sử dụng của các nước tham gia TPP.
Trong khi đó, dù là nhà cung ứng hàng dệt may lớn và lọt vào trong top 5 của thế giới, nhưng dệt may Việt Nam lại đang phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu từ các nước ngoài TPP, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), doanh nghiệp đóng góp khoảng 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cho rằng, việc áp đặt quy tắc xuất xứ là cách buộc các doanh nghiệp tăng đầu tư vào khâu thượng nguồn: sợi, dệt, nhuộm, vải, tạo tiền đề phát triển bền vững. “Nếu đầu tư được từ khâu sợi sẽ có nền tảng phát triển bền vững hơn. Và đó là lý do để Vinatex và các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may Việt Nam không thể làm khác”, ông Trường nhấn mạnh.
Dự án mới nhất được Vinatex ký kết với Công ty Toms (Nhật Bản) lập liên doanh thực hiện dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Dệt Kim tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Lý do chọn đối tác Nhật Bản, theo ông Trường, quốc gia này là thị trường nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam.
Cần phải nói thêm, nằm trong chiến lược đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu, nhằm đáp ứng được nguyên tắc “từ sợi trở đi” khi thực thi các điều khoản được quy định bởi TPP. Cũng trong chiến lược nâng cao năng lực cung ứng và tăng chủ động cho Tập đoàn, ngay trong tháng 3/2015, một dự án với tổng vốn lên tới gần 1.150 tỷ đồng vừa được Vinatex khởi công. Đây là dự án đầu tư lớn, nhằm đón cơ hội xuất khẩu đang mở ra đối với ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn đang tới rất gần.
Cụ thể, tại Khu liên hợp này, Vinatex sẽ đầu tư xây dựng một loạt dự án, nguyên phụ liệu, gồm: Nhà máy sợi 3 vạn cọc, sản lượng 4.600 tấn/năm; Nhà máy Dệt nhuộm vải dệt kim với dây chuyền dệt - nhuộm vải dệt kim đồng bộ chất lượng cao, công suất 5.000 tấn/năm; Nhà máy May Hương An công suất thiết kế 20 chuyền may dệt kim tương đương 20-25 triệu sản phẩm dệt kim/năm.n
Thế Hải

Theo baodautu.vn