Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)




Đây là Bộ luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong các tranh chấp tài sản, hợp đồng phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, nhiều công ty luật, ngân hàng, các thẩm phán, đã sôi nổi thảo luận về các nội dung xung quanh chế định doanh nghiệp giải quyết tranh chấp và ngân hàng thu hồi nợ thông qua tòa án.
Ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân Tối cao) cho biết: dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự đã bổ sung một số nguyên tắc quan trọng, trong đó có nguyên tắc quyền của công dân, tổ chức yêu cầu Tòa án phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án không được từ chối thụ lý vụ việc với lý do chưa có điều luật để áp dụng như trước đây.
Đây là một bổ sung rất quan trọng, thể hiện quyết tâm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Đảng, Chính phủ. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc khi công dân khiếu kiện ra Tòa án thì Tòa lấy lý do chưa có pháp luật hướng dẫn nên từ chối tiếp nhận vụ việc. Điều này gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến người dân không tin tưởng vào công lý và tự tìm những “kênh” giải quyết riêng như bằng quan hệ chạy chọt, bằng xã hội đen, gây bất ổn xã hội.
Một số nguyên tắc quan trọng khác cũng được bổ sung như: nguyên tắc hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự; bổ sung trách nhiệm thu thập chứng cứ của đương sự; nguyên tắc Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định của tòa án cấp dưới mà không phải trả hồ sơ yêu cầu xét xử lại. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử dân sự. Theo đó, những án lệ là những bản án, quyết định về vụ việc dân sự đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân nghiên xứu áp dụng với những vụ việc có nội dung tương tự…
Các đại biểu tham dự hội thảo sôi nổi đóng góp ý kiến. Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội cho rằng, hiện nay vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự còn mang tính hình thức, tham dự chỉ để “đủ thành phần”. Ngoài ra, mối quan hệ quen biết lâu năm trong công tác cũng làm cho họ ngại đưa ra ý kiến phản bác đối với Tòa án. Có những vụ việc đương sự không thuê luật sư, mà Tòa án thiếu công tâm, thì đương sự không biết trông cậy vào đâu. Vì thế, luật sư Trần Xuân Tiền đề nghị, cần có các quy định cụ thể trong Bộ Luật Tố tụng dân sự nhằm tăng cường sự giám sát của Viện kiểm sát cũng như các cơ quan khác với hoạt động tố tụng của Tòa án.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty luật Bizlink góp ý: thực tế cho thấy, một số tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài. Nhưng khi một bên không chấp nhận phán quyết của Trọng tài, họ kiện ra Tòa án yêu cầu hủy phán quyết. Nhiều trường hợp Tòa án chưa thực sự công tâm, hủy oan phán quyết của Trọng tài. Tuy nhiên, trường hợp này, Tòa án lại không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Luật sư Mạnh đề nghị, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng dân sự cần cân nhắc, khắc phục bất cập này.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) băn khoăn về quy định của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự là các tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn các tài liệu theo yêu cầu của đương sự, tòa án, viện kiểm sát…
Theo BIDV, các tổ chức tín dụng quản lý rất nhiều thông tin liên quan đến hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài sản và các giao dịch của khách hàng. Đây là các thông tin mật liên quan đến khách hàng mà ngân hàng có trách nhiệm bảo mật theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp thông tin này bị các đương sự và cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định của luật chuyên ngành.
Ngoài ra, cũng theo BIDV, trong nhiều trường hợp cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu với số lượng rất lớn, dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí sao chụp… nhưng không ai trả phí cho các khoản này. Bởi vậy, BIDV đề nghị phải bổ sung thêm quyền của các tổ chức lưu giữ chúng cứ trong việc thu phí cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu…
Duy Hữu

Theo baodautu.vn