Dư luận đánh giá cao thông tin này, bởi cùng với việc các DN niêm yết đang nghiêm túc thực hiện việc công bố thông tin, thì chuyện các DNNN cũng phải công khai, minh bạch thông tin của mình sẽ góp phần quan trọng tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và sự minh bạch của nền kinh tế.
Trên thực tế, yêu cầu này đã được đặt ra khi Chính phủ ban hành một loạt nghị định về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, về chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao của DNNN.








Song với bước cụ thể hóa cuối cùng này, với thời hạn có hiệu lực của Thông tư là ngày 22/6/2015, các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không còn đường lui và buộc phải minh bạch hóa các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Từ chiến lược, kế hoạch phát triển trong 5 năm, hay hàng năm của doanh nghiệp đến tình hình thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, rồi báo cáo tài chính, báo cáo tiền thưởng, tiền lương, hiệu quả hoạt động… Thậm chí, riêng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn còn phải báo cáo cả các hợp đồng vay, cho vay, mua bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của mình. Tương tự, cũng phải báo cáo các khoản tổn thất tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 10% vốn chủ sở hữu…
Không công bố thông tin, không chỉ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, bị “bêu tên”, mà cả cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu cũng liên đới trách nhiệm. Người quản lý doanh nghiệp có thể bị cảnh cáo, hạ bậc lương, thậm chí là buộc thôi việc…
Tuy nhiên, câu chuyện không phải nằm ở việc áp dụng các chế tài thế nào, mà điều quan trọng là làm sao để doanh nghiệp tự giác và chủ động cung cấp thông tin cần thiết theo quy định. Thông tin sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin về doanh nghiệp Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (business.gov.vn).
Một khi thông tin được minh bạch hóa và công khai hóa, thì đây sẽ là công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Giám sát tốt hoạt động của các DNNN sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, việc công khai thông tin của các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Công khai thông tin của các doanh nghiệp khiến đại diện vốn nhà nước nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí. Công khai thông tin của các doanh nghiệp cũng thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, từ đó tăng tính hấp dẫn của dòng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp này, tạo điều kiện để mở rộng các nguồn lực trong xã hội đầu tư vào các công ty này.
Việc công khai thông tin về hoạt động của các DNNN có thể nói, còn giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời ban hành các chính sách xử lý, giúp làm giảm thiệt hại có thể phát sinh cho Nhà nước và xã hội…
Rõ ràng, dù ở trên khía cạnh nào, thì việc minh bạch hóa và công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN đều là cần thiết và quan trọng. Thực tế hoạt động kém hiệu quả của một bộ phận DNNN, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thời gian qua càng đòi hỏi Việt Nam phải sớm minh bạch hóa và công khai hóa thông tin hoạt động của các DNNN.
Minh bạch chính là đòi hỏi sống còn không chỉ đối với các DNNN, mà còn là của nền kinh tế Việt Nam.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn