“Chúng tôi rất mong chờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết để mở rộng sự hiện diện tại nhiều thị trường lớn thuộc TPP”, ông Nguyễn Việt Phương, Phó tổng giám đốc ABB Việt Nam nói và cho biết, hiện tại, kế hoạch đầu tư đón đầu các hiệp định thương mại của ABB đã được được đưa vào thực hiện xoay quanh mục tiêu cốt lõi từ ngày đầu thành lập là duy trì sự phát triển bền vững và đáng tin cậy tại Việt Nam.
Với quan điểm giúp khách hàng sử dụng điện hiệu quả, nhằm tăng năng suất và giảm tác động tới môi trường, ABB đầu tư mạnh cho đầu tư chiều sâu, sản xuất những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, giảm thiểu tiêu hao điện năng, cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.








Đơn cử, sản phẩm máy biến áp xanh được sản xuất bởi ABB Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn, quy định và luật pháp quốc tế về môi trường. Để phù hợp với yêu cầu môi trường cụ thể, máy biến áp xanh ABB sử dụng phế phẩm dầu thân thiện với môi trường, có thể tự tiêu trong môi trường tự nhiên và không gây độc hại.
Đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1993, đến năm 1994, ABB thành lập Công ty liên doanh Sản xuất máy biến áp Hà Nội, năm 2005 bắt đầu xuất khẩu máy biến áp từ nhà máy tại Hà Nội. Năm 2008, ABB Việt Nam có quyết định lớn là đầu tư thêm Nhà máy tại Bắc Ninh. “Đây là một bước đi mang tính chiến lược: sản xuất sản phẩm chất lượng cao và giá thành hợp lý cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Phương cho hay.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được xem là thị trường cốt lõi và được Tập đoàn ABB kỳ vọng sẽ đạt được tăng trưởng cao trong hệ thống các nhà máy sản xuất của ABB trên toàn cầu. Điều này thể hiện ở việc ABB đã đầu tư công nghệ mới nhất và đem lại hiệu quả về chi phí cho tất cả các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
ABB Việt Nam đang thừa hưởng những gì Tập đoàn ABB đã gây dựng được, từ công nghệ sản xuất, trình độ quản lý… Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm ABB đã đạt được chất lượng ngang bằng nhiều nhà máy khác trong Tập đoàn. Nếu tính từ thời điểm xây dựng Nhà máy Sản xuất máy biến áp đầu tiên tại Hà Nội (năm 1994), thì năm 1997, ABB đã mở rộng giấy phép đầu tư, sản xuất máy biến áp truyền tải và một thời gian sau đó sản phẩm đã được xuất khẩu.
Theo đại diện ABB Việt Nam, cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư không đồng nghĩa với việc mở rộng số lượng mặt hàng sản xuất tại Nhà máy ABB Việt Nam, mà ABB sẽ đẩy mạnh chiến lược đầu tư chiều sâu bằng việc sản xuất sản phẩm có thế mạnh, tiêu hao ít năng lượng điện…, khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường TPP thuận lợi hơn, thuế giảm, môi trường đầu tư ngày một cải thiện.
“ABB Việt Nam mong muốn có môi trường kinh doanh minh bạch, đặc biệt trong đấu thầu, mua sắm thiết bị… để tham gia cung cấp sản phẩm chất lượng cao vào nhiều dự án lớn tại Việt Nam, khi đó, kế hoạch đầu tư lớn càng có cơ hội sớm trở thành hiện thực”, ông Phương nhấn mạnh.
Hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, đến thời điểm này, ABB Việt Nam đã có 2 nhà máy sản xuất tại Hà Nội và Bắc Ninh với hơn 800 nhân viên thuộc các lĩnh vực: thiết bị điện; tự động hóa và truyền thông; tự động hóa công nghiệp và thiết bị hạ thế nhằm phục vụ khách hàng trong tất cả các ngành công nghiệp và sản xuất.
Đặc biệt, sự hiện diện trên toàn quốc đã cho thấy cam kết phát triển bền vững và liên tục của ABB Việt Nam về quy mô sản xuất, và mức độ bao phủ thị trường.
Năm 2015, kế hoạch của ABB Việt Nam là đạt doanh thu 170 -180 triệu USD, trong đó doanh thu xuất khẩu 100 triệu USD. Thị trường xuất khẩu mới nhất là châu Phi đã và đang được ABB Việt Nam cung cấp hàng xuất khẩu từ năm 2014 với kết quả ban đầu khá ấn tượng, tạo đà để ABB có được doanh thu xuất khẩu như kỳ vọng, và tiếp tục được gia tăng khi Việt Nam là thành viên của TPP và một số hiệp định thương mại tự do quan trọng khác với châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan.
Hải Yến

Theo baodautu.vn