“Lắp ráp dễ làm và lãi nhiều”, là khẳng định của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Ô tô Vinaxuki khi nói về hiện trạng công nghiệp ô tô tại Việt Nam thời gian qua. Với kinh nghiệm của mình, ông Huyên cho hay, khi lắp ráp ô tô thì lãi tốt, nhưng điều này là nhờ chính sách, còn khi chuyển sang đầu tư sâu cho công nghiệp hỗ trợ thì rất khó khăn.
Chia sẻ thực tế trên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng cho rằng, thị trường hiện nay là của xe lắp ráp (CKD), ai làm tốt thì thành công. “Muốn làm ô tô phải có thị trường, sản lượng và chuyển giao công nghệ, trong đó sản lượng rất quan trọng. Toyota Việt Nam và Thaco đang làm xe CKD tốt vì bán hàng tốt, có thị phần”, ông Dương nhận xét.






Từ năm 2018, để cạnh tranh với xe nhập khẩu, xe sản xuất trong nước phải giảm giá thành 15 - 20%




Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khối ASEAN về 0% vào năm 2018 mà chính sách thuế vẫn không có gì thay đổi, thì giá xe trong nước cũng phải rẻ đi, ước tính rẻ hơn khoảng 15-20%.
Theo phân tích của ông Dương, các doanh nghiệp ô tô hiện nay phải tính toán giá xe của năm 2018 dựa trên hoạt động của doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn là Toyota Việt Nam. “Hiện nay, thuế nhập khẩu linh kiện là 5%, như vậy nếu nhập khẩu xe nguyên chiếc, thì doanh nghiệp sẽ giảm được 5% thuế linh kiện, chi phí lắp ráp, nhân sự một số khâu. Vì thế, muốn tham gia thị trường, xe sản xuất tại Việt Nam phải giảm giá thành từ 15-20% ở các khâu, từ sản xuất đến bán lẻ, thì mới cạnh tranh được với xe nhập khẩu”, ông Dương nói.
Để thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam, thay vì chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, câu chuyện chính sách hỗ trợ lại tiếp tục được các doanh nghiệp ô tô nhắc tới. Hiện tại, các chính sách cụ thể nhằm triển khai Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành ô tô vẫn chưa được Bộ Công thương đưa ra, sau khi đã lỗi hẹn vào tháng 11/2014.
Được biết, Bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn bất đồng trong việc đưa ra các chính sách thuế liên quan đến phát triển sản xuất ô tô. Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp, năm 2015 là thời điểm để quyết định tiếp tục đầu tư cho sản xuất ra sao để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc vào năm 2018.
Ông Dương cho hay, Việt Nam vẫn có thể kỳ vọng là điểm đến của các hãng xe, đặc biệt là các hãng xe chưa có cơ sở sản xuất trong ASEAN. Tuy nhiên, cần có ưu đãi trong thời gian nhất định để doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ, còn khi doanh nghiệp đã lớn thì không nên ưu đãi nữa.
Không đồng ý với quan điểm tiếp tục ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Audi Hà Nội cho rằng, công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm tuy có nhiều ưu đãi, nhưng chỉ nhận được các cam kết, tỷ lệ nội địa hóa thấp. “Có bao giờ Chính phủ đặt vấn đề nếu các doanh nghiệp không thực hiện được cam kết thì cần đòi lại các ưu đãi họ đã được hưởng. 20 năm có nhiều ưu đãi mà vẫn không đạt được mục tiêu, vậy chỉ còn 3 năm nữa có thể đạt mục tiêu đặt ra không”, ông Dũng nhận xét.
Khẳng định các doanh nghiệp ô tô thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) là những nhà sản xuất lắp ráp ô tô đều có mong muốn duy trì sản xuất xe tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch VAMA cho hay, sẽ đưa ra các kiến nghị chi tiết với Chính phủ trong tháng 5/2015. “Định hướng là bảo vệ sản xuất trong nước đủ lớn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vì thế phải có sự thúc đẩy sản xuất trong nước. Thái Lan hay Indonesia đều có chính sách vậy và họ dùng các công cụ thuế để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ trong nước”, ông Yoshihisa Maruta nói.
Thanh Hương

Theo baodautu.vn