Một số nhân sự khi nghỉ việc tại CTCK Woori CBV đã rất vất vả để lấy lại các giấy tờ gốc và khoản tiền đặt cọc



Sau này, khi biết mình bỏ qua quyền lợi chính đáng, dù tiếc nhưng nhân viên này cũng tặc lưỡi bỏ qua vì… ngại phiền phức.
Đây là tình huống mà nhiều người lao động gặp phải mỗi khi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Theo ghi nhận của ĐTCK, có rất nhiều trường hợp, người lao động do không chú ý đến những vấn đề pháp lý trong mối quan hệ lao động, dẫn đến quyền lợi chính đáng như trợ cấp thôi việc trên không được đảm bảo.
Sự thiếu hụt hiểu biết về pháp luật lao động cũng dẫn tới việc nhiều người lao động không thực hiện đúng quy định, thủ tục khi nghỉ việc và do đó không được chi trả trợ cấp. Chẳng hạn, khi nghỉ việc, người lao động phải báo trước 45 ngày, nhưng nhiều người lao động không tuân thủ đúng quy định này khi xin nghỉ việc và bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nên không được hưởng đầy đủ chế độ.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp viện cớ công ty có hoạt động kinh doanh đặc thù nên yêu cầu người lao động phải đặt cọc tiền, nộp bằng đại học bản chính, các chứng chỉ hành nghề…, gây khó khăn cho người lao động khi họ muốn nghỉ việc. Vụ tranh chấp giữa người lao động và CTCK Woori CBV là một ví dụ. Khi tuyển lao động, Woori CBV yêu cầu người lao động phải nộp bằng đại học bản chính, chứng chỉ hành nghề gốc và đặt cọc 2 tháng lương. Tuy nhiên, khi nhân viên nghỉ việc, Woori CBV không trả lại tiền đặt cọc, không trả các giấy tờ khác với lý do các nhân viên này gây ra thiệt hại, phải bồi thường cho công ty thì công ty mới trả lại giấy tờ. Điều này đã làm khó người lao động khi không thể xin được việc làm mới tương xứng với năng lực của họ.
Bảo hiểm xã hội là quyền lợi chính đáng và quan trọng của người lao động thì tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra hết sức phổ biến. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, không chịu thanh toán các khoản nợ lương khi người lao động nghỉ việc… là một trong rất nhiều tình huống mà người lao động gặp phải. Ngay cả khi ý thức rõ quyền lợi bị xâm phạm, nhưng rất ít người lao động đứng lên khởi kiện người sử dụng lao động ra tòa, bởi họ e ngại không có đủ thời gian, sức lực, tiền bạc để theo đuổi những vụ kiện kéo dài hàng năm trời. Trong nhiều trường hợp, cực chẳng đã, người lao động kiện chủ sử dụng lao động ra tòa thì dù thắng cũng như không, vì phía chủ sử dụng lao động lần lữa không chịu thi hành án.
Vậy nhưng, từ góc nhìn của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, họ cũng cho rằng, với quy định pháp luật lao động hiện hành, họ gặp không ít khó khăn khi xử lý những vấn đề về lao động. Nếu không cẩn thận, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khiếu kiện kéo dài, tốn thời gian và công sức xử lý.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp này đã chấm dứt hợp đồng với một số người lao động khi hết thời hạn, nhưng sau đó, người lao động đã khiếu nại lên Sở Lao động và Thương binh Xã hội ở địa phương. Hậu quả, doanh nghiệp tốn không ít thời gian để tiếp đoàn thanh tra và giải quyết những vấn đề liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu để vượt qua khủng hoảng thì vấn đề giải quyết nhân sự là một thách thức không nhỏ. Pháp luật về lao động dành cho người sử dụng lao động quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số điều kiện nhất định, tuy nhiên, để đáp ứng những điều kiện đặt ra không dễ, nếu không muốn nói là không thể.
Theo đó, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do bất khả kháng, hoặc vì lý do kinh tế mà người sử dụng lao động buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nhưng trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp khắc phục. Nếu như không chứng minh được đã thực hiện các biện pháp khắc phục rồi, người sử dụng lao động có thể gặp khiếu kiện nếu như vẫn chấm dứt hợp đồng lao động.
Hoặc theo một quy định khác, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Nhưng như thế nào thì được xác định là thường xuyên không hoàn thành công việc? Nghị định 44/2003/NĐ-CP quy định, người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng là người lao động không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục. Việc thực hiện theo quy định này không đơn giản khi đòi hỏi nhiều thủ tục họp hành và phải xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian nhất định.
Hoàng Duy (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn