Theo VKFTA, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm.



Hiện đang có hàng loạt hội thảo, nghiên cứu được tổ chức để truyền thông về những tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vừa được chính thức ký kết. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là những đánh giá, nhận định dựa trên các thông tin tổng quan.
Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố một vài đánh giá vắn tắt, dựa trên những thông tin chính thức về Hiệp định này được các bên đưa ra.
Theo đó, ngoài những cơ hội trong xuất - nhập khẩu và đầu tư thường thấy theo các cam kết dỡ bỏ thuế quan, Trung tâm WTO nhắc tới hai thách thức lớn.
Một là, doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ phải đối mặt với cạnh tranh về hàng hóa do việc mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho Hàn Quốc. Hai là, cạnh tranh về dịch vụ và đầu tư đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư trong nước sẽ tăng do VKFTA có cam kết đáng kể về mở cửa dịch vụ và đầu tư cho Hàn Quốc (cả cam kết về mở cửa ngành/lĩnh vực nào sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư HQ vào và cả các cam kết về bảo hộ đầu tư: đảm bảo quyền lợi, tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng....).
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho rằng, thách thức này cũng không quá đáng lo ngại.
Lý do là cơ cấu sản phẩm giữa hai bên là tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp. Hơn thế, nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho những ngành này. Ngoài ra, trong Hiện định thương mại tự so ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam đã mở cửa đáng kể cho Hàn Quốc, do đó việc mở cửa tiếp theo không tạo ra cú sốc lớn.
“Lo ngại lớn nhất hiện giờ là nội dung chi tiết của hiệp định này thế nào. Các doanh nghiệp đang rất mong bản chính thức VKFTA được công bố để có cơ sở tìm hiểu và đánh giá chi tiết chính xác. Chúng tôi mong các thủ tục để công bố được đẩy sớm. Đừng để lắp lại tình trạng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chi lê phải mất một năm mới được công bố, kể từ thời điểm ký kết”, bà Trang kiến nghị.
Vào ngày 5/5/2015, VKFTA đã được ký kết chính thức. Trong thông cáo của Bộ Công thương phát hành sau lễ ký, sau khi ký kết, hai nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định pháp luật của từng nước. Theo cam kết, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên tháng thứ hai kể từ ngày hai Bên thông báo bằng văn bản qua kênh ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ, hoặc từ ngày nào khác mà hai Bên thống nhất.
Cho tới thời điểm này, các thông tin công khai về Hiệp định là Hiệp định gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 01 Thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của Hiệp định gồm Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về Dịch vụ Viễn thông, Dịch vụ Tài chính, Di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại Điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.
Về các cam kết thuế quan, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí.
Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Khánh An

Theo baodautu.vn