Theo Sách trắng CNTT Việt Nam 2014, ước tính, đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu nhân lực ngành CNTT, nhưng hiện tổng số nhân lực làm việc trong ngành này mới đạt hơn 440.000 người. Số lượng và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được sự phát triển, mở rộng và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong ngành.








Viettel, FPT thiếu nhân lực!
Viettel đang khao khát được tiếp nhận Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Chỉ tính riêng Viettel Global, đơn vị đầu tư ra nước ngoài của Viettel, đến hết năm 2014, tổng quân số đã lên tới 1.576 người, gấp 14,6 lần so với năm 2008.
Đặc biệt là theo kế hoạch đến năm 2020, Viettel sẽ kinh doanh ở 20 nước trên thế giới, sẽ cần một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn phục vụ việc mở rộng thị trường nước ngoài.
Theo công văn của Bộ Quốc phòng gửi Văn phòng Chính phủ, nếu được chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông về Viettel, mỗi năm Học viện sẽ đào tạo 4.000 - 5.000 kỹ sư cho nhu cầu riêng của Viettel.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, Tập đoàn Viettel xin Học viện về Tập đoàn vì có nhu cầu tổ chức nghiên cứu phát triển, nhu cầu được cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo chất lượng cao cho các đơn vị của Tập đoàn trong nước và các đơn vị đang đầu tư ở trên 10 quốc gia khác.
Cũng giống như Viettel, FPT Software hiện có 7.200 người, trong đó gần 1.000 người đang làm việc ở 19 văn phòng tại 9 quốc gia trên toàn cầu. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ có 10.000 kỹ sư và năm 2020 sẽ có 30.000 kỹ sư CNTT làm việc ở FPT Software.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho hay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội không có giới hạn trong cuộc chơi CNTT toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và sử dụng được ngoại ngữ. Việt Nam cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư CNTT từ nay đến năm 2020 lên gấp 3 lần.
Chỉ riêng với kế hoạch tuyển dụng của riêng FPT Software từ nay đến 2020 là 4.000 -10.000 kỹ sư chất lượng cao mỗi năm, trong khi nguồn đào tạo của các trường đại học Việt Nam hiện nay là 15.000 kỹ sư CNTT mỗi năm, chắc chắn không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong ngành CNTT, chưa kể đến trong 15.000 kỹ sư CNTT mới này, chỉ 1/3 đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Vì sao không thể giành làm của riêng?
Chưa nói đến việc Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông chuyển về Viettel có hợp tình, hợp lý, hợp pháp hay không, nhưng chỉ dưới góc độ nguồn nhân lực thì gần như tất cả các doanh nghiệp viễn thông - CNTT đều không muốn Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông chuyển về Viettel.
Đơn giản là nếu thuộc Viettel, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông chỉ đáp ứng nhu cầu của Viettel. Hay nói cách khác, kể cả đào tạo số lượng lớn hơn nhu cầu của Viettel, thì những nhân lực tốt nhất của Học viện cũng thuộc về Viettel, chưa đến lượt VNPT, CMC, MobiFone, FPT… tuyển dụng.
Trong ngành CNTT, yếu tố nhân lực trình độ cao luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại. Thế nên, nếu bất cứ một doanh nghiệp nào “độc quyền” giành “lò luyện nhân tài” riêng cho mình ắt sẽ không nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đối thủ.
Mặt khác, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT đã dành rất nhiều tâm huyết, tiền của, công sức để gây dựng và phát triển Học viện. Khi còn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT, Học viện là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho VNPT, giúp VNPT củng cố và ngày càng lớn mạnh. Mối quan hệ của VNPT với Học viện là mối quan hệ đặc biệt.
Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh hai tập đoàn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao, thì việc điều tài sản, nguồn lực cả hữu hình và vô hình vốn sinh ra từ VNPT sang Viettel sẽ là việc làm không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mà Chính phủ đang chỉ đạo.
Qua câu chuyện này có thể thấy, các doanh nghiệp CNTT khi xây dựng các chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư cần phải có tầm nhìn xa. Doanh nghiệp có tầm nhìn, khát vọng thực sự sẽ không thể đợi đến khi cần gấp nhân lực mới tìm cách đi “săn đầu người”.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn