Nhà máy nước của doanh nhân thương binh
Từ Thái Bình, vượt qua nhiều thôn làng trú phú của huyện Đông Hưng, xe chúng tôi đang lên con đê bên tả sông Trà Lý – con sông mẹ của tỉnh Thái Bình.
Thả lòng mình nhìn dòng sông Trà ăm ắp nước xuôi về biển, rồi hướng về nhà máy nước của mình ở phía trong đê, cựu chiến binh, Giám đốc Công ty 27 – 7 Tiền Phong, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Nước sạch Thái Bình Hoàng Quốc Lập bộc bạch: “Trở về sau cuộc chiến tranh, tôi ấp ủ mong ước phải làm gì đó cho quê hương. Nên khi có chủ trương đầu tư vào sản xuất nước sạch, tôi làm ngay, và rất vui là nhiều doanh nghiệp cùng chung ý tưởng như chúng tôi”.






Nhà máy nước của Công ty 27-7 Tiền Phong




Trước mắt tôi là Nhà máy nước sạch của Công ty 27 – 7 với một loạt công trình đã được hoàn thành, như hệ thống hồ sơ lắng, bể lọc lắng xoáy nghiêng, bể lọc tinh hấp thụ, bể chứa nước sạch, tháp nước, bể chứa bùn, trạm biến áp, tường bao, cổng... cùng các công trình phụ trợ khác.
Giám đốc Lập cho biết, nhà máy được xây dựng từ tháng 3/2014, công suất 4.500 m3/ngày đêm cung cấp nước cho 6 xã, 10.000 hộ dân với tổng vốn 60 tỷ đồng. Hơn 1 năm qua đã lắp đường ống đến xã thứ 4 và đưa nguồn nước sạch đến 1.200 hộ dân.
Rồi ông hào hứng kể, hầu hết các nhà máy nước sạch được xây dựng trong giai đoạn xã hội hóa này ở Thái Bình đều được Sở Khoa học công nghệ Thái Bình tư vấn, lắp đặt và xử dụng sử dụng công nghệ lắng Lamen – công nghệ xử lý nước sạch tiến tiến hiện nay. Toàn bộ nhà máy tự động hóa, kể cả việc đánh rửa bể đưa tạp bùn sang bể chứa. Nước sạch được đưa lên tháp nước theo nguyên tắc bình thông nhau kết hợp cùng bơm đẩy và được cung cấp bơm 24/24 giờ. Cả ngày lẫn đêm, nguồn nước lúc nào cũng ăm ắp trong tháp và trên tất cả hệ thống ống cấp 1, cấp 2, cấp 3, sẵn sàng cung cấp đủ nước cho người dân, kể cả những gia đình ở xa hàng chục km nước vẫn tự đẩy lên tận tầng 2.
“Ưu điểm của nghệ nghệ này đã tạo điều kiện cho người dân sử dụng nước không cần xây bể chứa, không cần dùng bơm, tiết kiệm điện và các chi phí khác… “, ông Lập nói.
Nghe chúng tôi nói chuyện, một bác thợ xây dựng quê xã Đông Huy đang xây dựng tường bao cho nhà máy vui vẻ góp chuyện: Tôi năm nay 62 tuổi, nhưng có nước sạch về xã, tôi sẽ sống tới 82 tuổi.
Nhà máy nước của cựu thanh niên xung phong
Thật vui khi được biết, Giám đốc TNHH Thương mại Gia Bảo, ông Đỗ Đức Uyển vốn là một cựu thanh niên xung phong. Ông cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Bình hưởng ứng chủ trương xã hội hóa nước sạch.
Ông Uyển cho biết, nhà máy xử lý nước sạch của ông cung cấp cho 6 xã huyện Đông Hưng. Nước từ sông Trà Lý cách 5 km, băng qua bao cánh đồng mới về tới nhà máy. Còn bình quân mỗi xã lắp khoảng 45.000 m đường ống. Nhà dân dù xa bao nhiêu, có nhu cầu là có nước sạch. “Đó là trách nhiệm phục vụ của chúng tôi”, ông Uyển khẳng định.
Được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng hỗ trợ cho vay thêm vốn, Công ty đã đầu tư trên 100 tỷ đồng thực hiện dự án. Đến tháng 3/2014, nhà máy đã cấp nước cho 6 xã vùng dự án, trong đó 5 xã cơ bản đã hoàn thành .
Doanh nhân Uyển vui mừng cho biết, các hộ dân dùng trung bình từ 10 - 15 m3, có những hộ tới trên 30 m3. Hàng tháng đã trở thành nếp, ngày nộp tiền điện cũng là ngày nộp tiền nước.
Ông Phí Văn Hùng, 40 tuổi ở thôn Đống Năm, xã Đông Động rất phấn khởi vì nước sạch về thiết thực phục vụ cuộc sống sinh hoạt nên gia đình ông đăng ký đầu tiên. Ông Vũ Thế Sinh, cán bộ về hưu, ở thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân, từng công tác tại Hà Nội. Khi về quê nghỉ hưu, ông cứ nghĩ, chỉ thành phố mới có nước sạch, nay ông bất ngờ vì ở quê giờ cũng có nước sạch, hai ông bà rất phấn khởi.
Ông Đặng Đình Chinh thôn Tam Đồng, xã Đông Hà, trước nhà ông dùng nước của nhà máy khai thác nước ngầm nên không trong, xử lý không hết, không đủ nước. Giờ có nhà máy lấy nước mặt, lại dùng công nghệ hiện đại, nước trong vắt nên ông đã mở hàng đầu tiên.
Còn ông Vũ Văn Quảng 57 tuổi, ở thôn Nam Lịch Động, xã Đông Các cho biết, nhà ông rất muốn lắp cả thiết bị năng lượng mặt trời, nhưng không dám mua vì chưa có nước sạch. Nay có nước sạch của Gia Bảo về, chắc chắn thêm những vật dụng hiện đại, chất lượng cuộc sống sẽ nâng lên.
Nhà máy nước của cựu quân nhân
Còn ông Đỗ Duy Khanh, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Thành Vinh lại là một người lính từ biên giới Quảng Ninh trở về. Ông Khanh tâm sự rằng, hưởng ứng chủ trương của UBND tỉnh Thái Bình, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn, như phải đầu tư một nguồn vốn lớn, sự tham gia sử dụng nước của nhân do vừa xây dựng nông thôn mới nên còn khó khăn, song kinh doanh nước sạch đảm bảo sức khỏe cho người dân nên doanh nghiệp quyết tâm đầu tư.
Nhà máy khởi công Quý IV/2013, trên diện tích trên 9.000 m2, công suất 9.000 m3 nước ngày đêm, đầu tư trên 90 tỷ đồng, xây dựng mới, đồng bộ hệ thống khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch tiêu chuẩn, phục vụ cho khoảng 17.500 hộ dân 9 xã.
Ông Khanh rất vui cho biết, sau 1 năm nhà máy đã đi vào hoạt động, đã cấp nước cho 3 xã và lắp đặt đường ống cho cho 4 xã. Nhiều cụ già ở thôn Cổ Xá uống thử bảo: nước rất ngọt và pha trà sẽ đậm đà. Còn chị em phụ nữ cho biết, giặt quần áo bằng nước sạch sẽ giảm một lượng xà phòng nhưng lại “trắng sạch tinh tươm”, gội đầu cũng thế, tóc tơi mượt, không sơ và rít như nước giếng khoan.
Ông Khanh còn phấn khởi báo tin, dịp 30/4 này, nhà máy sẽ vượt sông, lắp đường ống đưa nước tới các xã bên kia sông.
Lời kết
Chỉ sau hơn 2 năm, đã có 22 doanh nghiệp tư nhân thực hiện 24 dự án nước sạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng trong đó đã có gần một phần ba dự án đã và đang chuẩn bị mang nước sạch về cho nông dân.
Nếu hết năm 2015, các nhà máy đi vào hoạt động sẽ có 157 xã trên 266 xã nông thôn tỉnh Thái Bình có nước sạch...
Tôi cùng ông Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Nước sạch Thái Bình Hoàng Quốc Lập cứ tiếc là chưa đến thăm được hết các doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà máy nước sạch ở các huyện trong tỉnh Thái Bình.
Đó là Dự án của Công ty Phú Đông Thành, Dự án của Công ty Thanh Sơn huyện Quỳnh Phụ; Dự án của Công ty Thành Thụy huyện Thái Thụy; Dự án của Công ty cổ phần Xây dựng – Vật tư sông Hồng huyện Tiền Hải ; Dự án của Công ty Xây dựng – Kinh doanh Hoàng Hải huyện Đông Hưng; Dự án của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển thương mại Quỳnh Nga huyện Hưng Hà; Dự án của Công ty Thủy Long, Dự án của Công ty Thương Trường Thảo huyện Kiến Xương; Dự án của Công ty Bách Hưng Phát huyện Vũ Thư... cùng nhiều dự án khác.
Còn tôi cho rằng, thành công của hoạt động xã hội hóa nước sạch là một mốc lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình trong mấy chục năm đổi mới và cũng là một mô hình mà các địa phương trong cả nước tìm hiểu để đưa nhanh, đưa đủ nước sạch chất lượng về với bà con nông dân.
Lã Quý Hưng

Theo baodautu.vn