Mới đây, phiên đấu giá bán 1 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH một thành viên Địa chính Hà Nội đã kết thúc với kết quả 100% cổ phần đã được bán hết. Trong phiên đấu giá trên, có tổng cộng 38 nhà đầu tư đã đăng ký mua hơn 7,3 triệu cổ phần, cao gấp 7 lần số cổ phần đưa ra chào bán. Tuy nhiên, cuối cùng, chỉ có 3 nhà đầu tư mua được số cổ phần chào bán, với giá đấu thành công bình quân là 15.395 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 16,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý là, trong phiên đấu giá này, có nhà đầu tư đặt mua 100% số cổ phiếu chào bán; giá đặt mua cao nhất là 16.000 đồng/cổ phần (cao gấp gần 1,6 lần so với giá khởi điểm).
Cuối tháng 5 này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng với hơn 2,2 triệu cổ phần, tương đương 22,8% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SONA).
Đây là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ đào tạo và đưa lao động, chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thị trường hoạt động của SONA gồm các nước như Các tiểu Vương quốc Ả - rập Thống nhất (UAE), Libya, Hàn Quốc, Hy Lạp, Saudi Arabia, Qatar, Brazil..., trong đó, UAE và Hàn Quốc là hai thị trường có doanh thu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 70% doanh thu năm 2014. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp dịch vụ đào tạo lao động phục vụ xuất khẩu lao động, với doanh thu mảng này chiếm 30% tổng doanh thu.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, doanh thu thuần của Công ty ước đạt từ 40 tỷ đến 45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 750 triệu đồng (năm 2015), 900 triệu đồng (năm 2016) và 1,2 tỷ đồng (năm 2017). Tỷ lệ trả cổ tức tương ứng là 5%, 6% và 10%.
Sau khi cổ phần hóa, SONA dự kiến có số vốn điều lệ là hơn 97,2 tỷ đồng. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ gần 7,3 triệu cổ phần, tương ứng với 75% vốn điều lệ. Người lao động sẽ được mua tối đa 213.600 cổ phần, tương đương 2,2% vốn điều lệ.
Giới chuyên môn dự đoán, càng về cuối năm, không khí đấu giá sẽ càng tăng nhiệt, bởi theo kế hoạch cổ phần hóa DNNN năm 2015, cả nước sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 289 DNNN. Hiện tại, tất cả các DN này đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó hơn 200 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Đến thời điểm hiện tại, sau gần nửa năm 2015, các bộ, ngành, tập đoàn và DN sẽ phải “lên dây cót”, đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện cổ phần hóa và đưa cổ phần ra đấu giá, nếu không muốn lỡ chuyến tàu cổ phần hóa năm 2015.
Ngoài các doanh nghiệp đã lên kế hoạch cổ phần hóa, một số DN đã hoạt động theo hình thức công ty cổ phần có thể cũng sẽ thoái bớt vốn nhà nước để phục vụ các mục tiêu riêng của từng DN.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (mã HU3, sàn HOSE) vừa tiết lộ, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD) là công ty mẹ có kế hoạch thoái bớt vốn ở HUD để giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống dưới 30%. Phương thức bán cổ phần sẽ sớm được xây dựng, nhiều khả năng có thể cũng sẽ được đưa ra đấu giá công khai trên sở giao dịch chứng khoán.
Ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT HUD3 cho biết, việc thoái vốn của HUD tại HUD3 là cách để HUD3 thuận lợi hơn trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Cụ thể, theo Luật Đấu thấu, các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 51% cổ phần trở lên sẽ không được tham gia đấu thầu các dự án do công ty mẹ làm chủ đầu tư.
Theo đó, khi HUD bán bớt cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu tại HUD3 chỉ còn dưới 30%, thì HUD3 sẽ chỉ còn là công ty liên kết của HUD, không bị ràng buộc bởi các quy định trên và sẽ vẫn được tham gia đấu thầu các dự án do HUD làm chủ đầu tư.
Chí Tín

Theo baodautu.vn