Mô hình đối tác công - tư là tất yếu
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nông nghiệp Việt Nam hiện đóng góp 20% GDP với kim ngạch xuất khẩu trên 31 tỷ USD/năm, giải quyết việc làm cho một nửa lực lượng lao động cả nước. Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường.






Metro Cash & Carry Việt Nam có những đóng góp trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp




Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị và cũng chỉ có chủ thể này mới hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là: doanh nghiệp có nguồn vốn lớn có thể tăng cường đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả; doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế; doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Và con đường phát huy hình thức đối tác công - tư (PPP) là hình thức đầu tư tất yếu.
Để tìm giải pháp thích hợp đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, gần đây, một loạt chính sách, động thái ở tầm vĩ mô đã được khởi động. Đặc biệt, ngày 17/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Những động thái mạnh mẽ này của Chính phủ đã cho thấy quyết tâm đưa nền nông nghiệp phát triển lên một bước mới trong bối cảnh hội nhập.
Metro tiên phong đầu tư vào nông nghiệp
Dự án Trạm trung chuyển cá của Metro tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là điển hình của dự án hợp tác công - tư trong phát triển thủy sản bền vững, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cá tươi chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Mô hình này được đánh giá cao tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Nam Á. Với những đóng góp này, Metro đã 2 lần nhận Giải thưởng Thực hiện chuỗi cung ứng bền vững xuất sắc năm 2011 và 2012.
Ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết: “Cho tới nay, Metro đã tổ chức đào tạo cho hơn 20.000 nông dân, ngư dân, nhà sản xuất và cán bộ địa phương đạt Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Chứng nhận này giúp nông dân sản xuất hiệu quả và đạt lợi nhuận cao hơn khi tham gia thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Metro kết nối nông dân, nhà sản xuất, nhà cung cấp với hệ thống phân phối hiện đại, tạo đầu ra ổn định và bền vững”.
Là doanh nghiệp tiên phong xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp, Trạm trung chuyển và bảo quản lạnh tại tỉnh Lâm Đồng là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả tốt nhất Việt Nam. Năm 2010, Metro đã triển khai Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn tại miền Bắc Việt Nam” với tổng giá trị cam kết đầu tư lên tới gần 1 triệu EUR tại Mộc Châu, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
“Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ hàng Việt đã được chúng tôi thực hiện từ nhiều năm nay thông qua hàng loạt chương trình và dự án, như đào tạo nông dân, ngư dân, nhà sản xuất cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, kết nối nhà sản xuất trong nước với kênh phân phối hiện đại. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các trung tâm Metro chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa”, ông Philippe Bacac cho biết.
Những năm qua, với tư cách là đối tác PPP thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Metro đã tích cực quảng bá nông sản Việt Nam tới thị trường châu Âu. Năm 2014, Metro xuất khẩu 81 container tôm đông lạnh, cá tra… đến hệ thống Metro tại 19 quốc gia trên thế giới với tổng giá trị hơn 7 triệu USD.
Để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì việc thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tâm huyết với nông nghiệp như Metro là vô cùng cần thiết.
Phạm Hoa

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: