Tại thời điểm 1/5/2015, tồn kho sản xuất đồ uống tăng 80,1% so với cùng kỳ 2014.



Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 12,2%
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2015, cả nước có 7.820 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 56.800 tỷ đồng. So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,9%, số vốn đăng ký tăng 10,8%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay là 7.404 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này tiếp tục cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, khi trong tháng 5/2015, cả nước có 4.117 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với tháng trước, bao gồm 1.130 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 2.987 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký; 1.088 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 11% so với tháng trước.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay còn lớn, là 22.705 doanh nghiệp, mặc dù giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Có tới 94% số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng chiếm áp đảo trong tổng số DN hoạt động, đang đối mặt với nhiều khó khăn và không thể trụ vững.
Một chỉ báo khác cũng đang cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn là chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/5/2015 tăng 11,5% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung như: sản xuất đồ uống tăng 80,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 76,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 42%...
Tập trung tiếp sức cho doanh nghiệp
Để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh số doanh nghiệp “chết lâm sàng” còn lớn, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015 vừa diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa kết thúc, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian đi sâu phân tích những khó khăn trong nội tại nền kinh tế, dự báo tình hình trong nước và thế giới, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế…
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, những thủ tục nào gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì phải kiên quyết loại bỏ, phải sửa đổi vì lợi ích chung của đất nước. Cải cách hành chính không cần đầu tư nhiều nhưng góp phần đắc lực cho phát triển. Thủ tướng nói sẽ trực tiếp làm việc với với từng Bộ, ngành về nội dung này…”, Bộ trưởng Nên cho hay.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện “sức khỏe”, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, ngoài tiếp tục củng cố, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây chính là yếu tố căn cơ, nền tảng, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khắc phục những hạn chế hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh phải rà soát lại tất cả thể chế, thủ tục, việc nào cần thì tiếp tục làm nhưng rút ngắn thời gian cho người dân như Nghị quyết 19 yêu cầu. Việc nào không còn phù hợp thì sửa hoặc đề nghị sửa. Với tinh thần này, tại phiên họp, Chính phủ đã bàn việc chỉnh sửa 3 Nghị định có liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
“Cổ phần hóa không phải là lấy tiền về cho ngân sách Nhà nước, mà quan trọng là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hữu Đạo (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn