Được thành lập năm 2007, SAScoat Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặt tại Phan Thiết, Bình Thuận, với ngành nghề kinh doanh là sản xuất giấy tự dính cao cấp xuất khẩu, kinh doanh nhập khẩu khẩu nguyên liệu, sản phẩm tráng phủ, tự dính, bao bì dùng trong một số ngành hàng như mỹ phẩm, hóa dược…








Theo giới thiệu, SAScoat Việt Nam đặc biệt chế tạo sản phẩm về giấy và sản phẩm tự dính chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu và đạt được công suất 200 triệu m2/năm. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 246 tỷ đồng, trong đó đối tác nước ngoài là SAS Coat Holding (Thụy Sỹ) chiếm 73,99%, số còn lại thuộc về các đối tác Việt Nam, trong đó DATC chiếm 6,5% và hai đối tác khác là Ngân hàng TMCP Đông Á và Tổng công ty In Liksin.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011, nhưng SAScoat Việt Nam đã có những dấu hiệu bất thường ngay từ thời điểm đó. Phần lớn nguyên vật liệu sản xuất đầu vào được nhập khẩu và sản phẩm đầu ra xuất khẩu đều lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài.
Theo DATC, sau hơn 3 năm hoạt động, mặc dù quy mô sản xuất, sản lượng và doanh thu liên tục tăng trưởng, nhưng kết quả kinh doanh hàng năm lại liên tục thua lỗ. Theo đó, tính đến hết năm 2014, Công ty đã lỗ lũy kế tới 655,8 tỷ đồng. So với vốn điều lệ 246 tỷ đồng, thì doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu 403,2 tỷ đồng.
Đáng nói là, trong thời gian hơn 3 năm hoạt động, SAScoat Việt Nam cũng đã kịp tăng vốn 2 lần với tổng số tiền 86 tỷ đồng. Còn tới tháng 10/2014, tại Đại hội đồng cổ đông, SAScoat Việt Nam tiếp tục có nghị quyết tăng vốn điều lệ thêm 127,2 tỷ đồng, nhưng DATC đã không chấp nhận biểu quyết thông qua.
Với 73,99% vốn điều lệ do bên nước ngoài nắm giữ, bộ máy quản lý, điều hành của SAScoat Việt Nam gồm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều là người của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay HĐQT có 10 thành viên thì đa số là các thành viên của nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng do tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại SAScoat Việt Nam chỉ chiếm 26,01%, các cổ đông Việt Nam khác, tuy đã nhiều lần chất vấn tại cuộc họp và yêu cầu giải trình, nhưng cũng không thể kiểm soát được và không thể chủ động quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của SAScoat Việt Nam. Theo nhận định của DATC và các cổ đông khác là doanh nghiệp Việt Nam, tình hình hoạt động của SAScoat Việt Nam cho thấy có dấu hiệu chuyển giá tại doanh nghiệp này.
Câu chuyện SAScoat Việt Nam càng hoạt động càng thua lỗ nặng, dù doanh thu và thị trường vẫn có sự tăng trưởng mạnh, có những nét tương đồng với vụ Metro Cash & Cary Việt Nam mới đây. Việc báo lỗ triền miên của Metro Cash & Cary Việt Nam đã gây ra “nghi án” chuyển giá trong thời gian dài. Chỉ đến khi Thanh tra của Tổng cục Thuế vào cuộc mới vạch trần được rõ các hành vi vi phạm. Qua thanh tra đã yêu cầu Metro Cash & Cary Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho hay, 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn 1.559,8 tỷ đồng, giảm lỗ 4.720 tỷ đồng, giảm khấu trừ 99,9 tỷ đồng. Thực trạng này cũng cho thấy, tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm.
Mặt khác, việc doanh nghiệp FDI khai báo lỗ nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam cũng cho thấy, cơ quan chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm làm rõ hành vi gian lận kinh tế này.
Thanh Hương

Theo baodautu.vn