Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Cẩm Phả.



Sau khi tái cấu trúc, để có thể hồi phục hoạt động và dần phát triển, Xi măng Cẩm Phả đã thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
Sau khi tái cấu trúc Xi măng Cẩm Phả, Tập đoàn Viettel đã tập trung làm rõ những khó khăn cũng như thuận lợi của nhà máy. Khó khăn rất nhiều, từ vấn đề tài chính đến thị trường tiêu thụ. Khó khăn về tiêu thụ sản phẩm của Công ty còn nằm trong khó khăn chung, khi nguồn cung xi măng trên thị trường dư thừa quá lớn, trong khi sản phẩm xi măng Cẩm Phả có mặt chưa lâu.
Tuy nhiên, Xi măng Cẩm Phả cũng có những thuận lợi nhất định, như dây chuyền công nghệ hiện đại, clinker đạt chất lượng cao, có cảng biển phục vụ tàu có tải trọng 15.000 DWT, nên thuận tiện cho xuất khẩu sản phẩm. Hơn nữa, tinh thần đoàn kết, làm việc hết mình của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công nhân, viên chức đã góp phần quan trọng giúp Công ty vượt qua những thách thức ngắn hạn để nhìn về những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Vấn đề lớn nhất là tái cấu trúc tài chính đã được giải quyết. Song song với tái cấu trúc tài chính, Công ty tập trung vào việc làm chủ công nghệ, mở rộng thị phần trong nước, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Ở góc nhìn chuyên môn, ông có thể cho biết, công nghệ, kỹ thuật đóng góp thế nào vào thành công của một nhà máy xi măng?
Với các nhà máy xi măng, nếu làm chủ được công nghệ, kỹ thuật thì sẽ giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Đơn cử, năm 2013, Công ty phát hiện ra cổ thắt ở buồng khói có tiết diện quá nhỏ so với công suất. Đây là lỗi thiết kế và chúng tôi đã cải tiến, nới rộng ra với chi phí rất nhỏ (chỉ 30 triệu đồng), nhưng sản lượng clinker tăng thêm 160.000 tấn/năm, làm hiệu quả hoạt động tăng thêm rất nhiều. Hiện lò nung Xi măng Cẩm Phả chạy vượt 6% so với công suất thiết kế chính là nhờ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như vậy.







Trong bối cảnh toàn ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, Xi măng Cẩm Phả lại đầu tư mạnh vào dây chuyền công nghệ. Điều này có đi ngược lại với xu thế chung khi nhiều nhà máy khác hạn chế đầu tư không, thưa ông?
Công ty Xi măng Cẩm Phả đang đầu tư thêm hệ thống sản xuất xi măng rời và 2 silo có sức chứa 3.000 tấn xi măng cho mỗi silo, nhằm tăng chủng loại sản xuất từ 1 loại lên 4 loại sản phẩm. Việc đưa 2 silo vào sử dụng cuối năm nay sẽ góp phần đưa sản lượng xi măng tiêu thụ đạt và vượt công suất thiết kế trong những năm tới.
Đây là khoản đầu tư nhằm hợp lý hóa dây chuyền sản xuất. Trước khi đầu tư, chúng tôi đã tính toán được hiệu quả đầu tư và những loại xi măng mà chúng tôi dự định đưa ra thị trường là xi măng PC50, xi măng xỉ, xi măng bền
sulfat - những chủng loại mà thị trường đang cần. Hơn nữa, nếu có thị trường, chúng tôi có thể sản xuất vượt công suất thiết kế 400.000 tấn/năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, sản lượng xi măng tiêu thụ của Xi măng Cẩm Phả tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 66 tỷ đồng. Đây là những con số rất lạc quan nếu so với một vài năm trước. Điều đó cho thấy, Công ty đang đi đúng hướng và gặt hái được những kết quả từ hoạt động tái cấu trúc toàn diện.
Trung Kiên

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: