Cuối tháng 5/2015, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Việt - Đức (VGU) trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội thực tập cho sinh viên theo học các chương trình cử nhân và thạc sĩ; hỗ trợ sinh viên tham quan Bosch; đồng thời sẽ tài trợ và tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu cho VGU và các sinh viên...
Theo kế hoạch, hàng năm sẽ có 10 cử nhân trong ngành kỹ thuật cơ khí của VGU nhận học bổng trị giá 1.000 USD/năm trong vòng 4 năm và có cơ hội làm việc tại Bosch sau khi tốt nghiệp.






Công ty TNHH Bosch Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao




“Việc kinh doanh của chúng tôi có sự tăng trưởng liên tục tại Việt Nam, cũng như toàn châu Á, nên chúng tôi cần nguồn nhân lực giỏi. Dự án này sẽ giúp cho cả VGU và Bosch đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên, Bosch Việt Nam thực hiện một chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Trước đó, vào năm 2013, Bosch cũng đã dành một khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực thông qua dự án hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật LILAMA 2.
Bosch không phải là công ty duy nhất ở Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo nghề nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của công ty, trước đây Intel cũng đã làm như vậy. Khi bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất và kiểm định chipset ở TP.HCM, Intel muốn tuyển 2.000 kỹ sư cho giai đoạn I và 4.000 kỹ sư cho giai đoạn II mà chỉ tuyển được gần 100 người. Khi đó, Intel đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều trường đại học của Việt Nam để liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Hàng trăm tỷ đồng đã được Intel chi ra để thực hiện các chương trình này. Cuối năm ngoái, Intel cũng đã công bố hỗ trợ TP.HCM đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.
Tương tự, kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Microsoft cũng đã không ngừng thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Việt Nam. Trong khi đó, Samsung cũng đã có những bước đi đột phá để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong ngành công nghiệp điện tử.
Thiếu nhân lực chất lượng cao khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, buộc phải “tự xoay sở”. Nhưng chính các giải pháp đột phá và sáng tạo này đã góp phần quan trọng để một mặt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao có được nguồn nhân lực theo nhu cầu, mặt khác hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với các công ty Việt Nam, việc Tập đoàn FPT xây hẳn một trường đại học nhằm cung ứng nhân lực công nghệ thông tin cho hoạt động của Tập đoàn, cũng như cho nhu cầu của toàn xã hội. Đây chính là cách để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn