Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc tăng phí bảo vệ môi trường với mặt hàng than từ khung 6.000 đến 10.000 đồng/tấn hiện nay lên mức 6.000 đến 14.000 đồng/tấn.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có đề nghị tăng mức tối đa của phí bảo vệ môi trường với than từ 10.000 đồng/tấn hiện nay lên 30.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, việc điều chỉnh mức phí tăng gấp 3 lần theo đề nghị của Quảng Ninh sẽ là quá cao so với giá bán than. Bởi vậy, phương án được Bộ Tài chính chọn là mở rộng khung theo hướng, giữ mức tối thiểu và tăng mức tối đa thêm 1 lần so với số chênh lệch tối đa-tối thiểu hiện hành. Theo hướng này, mức phí bảo vệ môi trường mới của than sẽ dao động từ 6.000 đến 14.000 đồng/tấn.






Ngành than sẽ gặp khó khi mức phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên tiếp tục tăng




Ngoài câu chuyện phí bảo vệ môi trường với than đang được nghiên cứu để tăng mức tối đa so với khung quy định hiện nay, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin còn cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu tăng thuế tài nguyên với than. Điều này thực sự khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
“Trước đó, năm 2014, thuế tài nguyên với than đã tăng 2%, phí quyền khai thác tăng 2%. Nếu thuế tài nguyên tiếp tục tăng lên mức 13% đối với than lộ thiên và 10% đối với than hầm lò (tăng gần gấp đôi so với nhiều quốc gia), thì tình hình sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn sẽ càng khó khăn hơn”, ông Biên nhận định và cho biết thêm, nhiều nước khác đều có chính sách hỗ trợ ngành than, nhưng ở Việt Nam thuế, phí lại tăng cao.
Theo tính toán sơ bộ của Vinacomin, nếu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đều tăng theo dự kiến của Bộ Tài chính, thì chi phí sản xuất sẽ tăng thêm khoảng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2014, lợi nhuận của Vinacomin đạt 2.500 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 2,7 lần; sản lượng than nguyên khai đạt 37,5 triệu tấn và than tiêu thụ 35,5 triệu tấn.
Năm 2015, Vinacomin đặt mục tiêu lợi nhuận 1.500 tỷ đồng và tiêu thụ 38 triệu tấn than.
Ông Biên cho biết, ngành than trong nước và thế giới đều gặp nhiều khó khăn, trong đó Australia, Indonesia đều đã cắt giảm 30-40% sản lượng do giá giảm.
Để khắc phục khó khăn trong việc tiêu thụ than, Vinacomin cũng đã chỉ đạo các đơn vị cân đối lại kế hoạch sản xuất, tiêu thụ than trong những tháng cuối năm, điều hành giảm một phần sản lượng của các tháng còn lại so với kế hoạch, trên cơ sở đảm bảo việc làm, tiết giảm chi phí để cân đối được tài chính, ổn định thu nhập cho người lao động.
Được biết, mới đây, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép ngành than được xuất khẩu 2 triệu tấn trong năm 2015. Theo tính toán của Bộ Công thương, năm 2015, sản lượng than thương phẩm của cả ngành đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn. Trong số này, chủng loại than đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (từ cám 4 trở xuống) chiếm 60-95%.
Đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 là 36,34 triệu tấn, năm 2016 là 41,77 triệu tấn, năm 2020 là 74,908 triệu tấn và năm 2030 là 143,65 triệu tấn, thì năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và năm 2016 thừa 2 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn than, năm 2020 khoảng 26,5 triệu tấn.
Vinacomin cũng lên kế hoạch năm 2015 tiêu thụ 38 triệu tấn than thương phẩm, trong đó, xuất khẩu 2 triệu tấn (gồm 0,9 triệu tấn than cục; 1,1 triệu tấn than cám loại 1, 2, 3 và 5) chủ yếu sang Nhật Bản và Lào. Hiện việc Vinacomin xuất khẩu khoảng 110.000 tấn than cám 5/năm sang Lào được đánh giá là vừa tạo điều kiện cho Công ty Kinh doanh Than Nghệ Tĩnh (thành viên Vinacomin), vừa duy trì quan hệ láng giềng giữa 2 nước.
Với Tổng công ty Đông Bắc, lượng than tiêu thụ năm 2015 được lên kế hoạch là 4,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 4,55 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 0,25 triệu tấn chủ yếu sang Nhật Bản.
Các quan chức của ngành than cho hay, việc xuất khẩu một số loại than trong nước không tiêu thụ hết, hoặc than tốt có giá trị cao, trong khi vẫn nhập khẩu than ở các chủng loại thấp hơn phục vụ cho nhà máy nhiệt điện là bài toán kinh tế đã được cân nhắc kỹ, một cách tổng thể.
Theo tính toán của Vinacomin, 1 tấn than cám chất lượng tốt có giá bằng 1,5-2 tấn than cám cho sản xuất điện. Bởi vậy, nếu không được xuất khẩu than cám chất lượng tốt sang Nhật Bản, ngành than sẽ gặp khó khăn như mất cân đối tài chính, ứ đọng vốn do than sản xuất ra không tiêu thụ được. “Ngoài ra, cơ hội tham gia thị trường than thế giới sẽ bị giảm, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm, đàm phán, ký kết các hợp đồng nhập khẩu than”, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận xét và cho biết, năm 2014, Nhật Bản đã nhập khẩu 877,34 tấn than với trị giá 109 triệu USD.
Thanh Hương

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: