Theo Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/6 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT, Viettel sẽ là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP) đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet.
So với Thông tư số 18, hai nhà mạng lớn khác là MobiFone và VinaPhone đều đã được đưa ra khỏi nhóm doanh nghiệp viễn thông SMP và gia nhập nhóm doanh nghiệp không thống lĩnh thị trường cùng với Vietnammobile và Gmobile. Đây được coi là cơ hội để 2 nhà mạng này “trở mình” phát triển mạnh hơn nhằm cạnh tranh với Viettel.






Cơ hội để MobiFone cải thiện thị phần đang song hành cùng với những thách thức. Ảnh: Đ.T




Cơ hội chuyển mình
Nếu vẫn ở trong nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, MobiFone và VinaPhone sẽ bị quản lý chặt hơn. Khi muốn thay đổi giá cước, giảm giá dịch vụ, họ phải đăng ký với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Và chỉ khi được Cục Viễn thông đồng ý chấp thuận, họ mới được triển khai.
Đặc biệt, nếu là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, họ không được phép ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành. Đồng thời, họ phải thống kê, kế toán riêng để xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.
Thoát khỏi danh mục doanh nghiệp SMP sẽ đồng nghĩa với việc VinaPhone, MobiFone khi điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá đối với dịch vụ thông tin di động chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông, cũng như không bị cấm ban hành giá cước thấp hơn giá thành.
Trong bối cảnh thị trường thông tin di động bão hòa, giá cước, dịch vụ của 3 nhà mạng lớn nhất là Viettel, VinaPhone, MobiFone tương đương nhau, thì doanh nghiệp nào có giá cước thấp hơn, khuyến mại nhiều hơn, rẻ hơn sẽ được khách hàng chọn dùng. Đồng nghĩa với điều này chính là việc VinaPhone, MobiFone có trong tay “vũ khí sát thương” mang tên “cước giá rẻ, khuyến mại” để cạnh tranh giành thuê bao.
Chính vì yếu tố “chết người” này mà tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel đã một mực kiến nghị không nên rút nhà mạng nào ra khỏi nhóm 3 doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường để tránh tình trạng người dùng của mạng này chuyển sang mạng khác.
Đại diện của Viettel còn cảnh báo, việc này “thậm chí có thể gây ra cuộc chiến về giá” và đề nghị Bộ “cứ giữ nguyên” 3 nhà mạng trong tốp thống lĩnh thị trường như hiện nay và vẫn “quản lý như cũ”.
Không ít thử thách đón chờ
Nhưng thoát khỏi “ách” doanh nghiệp thống lĩnh không có nghĩa là ngay lập tức VinaPhone, MobiFone “sống khỏe”. Đầu tiên, phải hiểu rằng, không phải cứ doanh nghiệp không thống lĩnh thị trường là được quyền giảm giá cước dưới giá thành một cách vô tội vạ.
Thị trường viễn thông được quản lý theo nguyên tắc là, tất cả các doanh nghiệp viễn thông dù không là SMP đều không được điều chỉnh giá cước tăng hoặc giảm không hợp lý so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình, gây mất ổn định thị trường. Trên nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước sẽ không để các doanh nghiệp ép giá, phá giá và trong trường hợp có những biến động lớn, Nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường.
Mặt khác, có lợi thế, nhưng có biến lợi thế đó thành sức mạnh hay không là vấn đề khác, nhất là trong lúc này, VinaPhone và MobiFone đang gặp nhiều vấn đề nội tại. Cụ thể, ở VinaPhone là việc vừa được nâng lên thành Tổng công ty VNPT-VinaPhone, đang trong giai đoạn hoàn thiện bộ máy mới, bước vào giai đoạn 2 tái cơ cấu.
Gần đây, VinaPhone đã thay đổi về chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ của nhân viên. Tuy nhiên, sự thay đổi đó mới chỉ là bước đầu và rất khó để hệ thống nhân viên kinh doanh của VinaPhone có thể thay đổi tư duy kinh doanh theo kiểu “ban ơn” sang phong cách phục vụ “khách hàng là thượng đế” mà các đối thủ khác đã làm từ rất lâu.
Đối với MobiFone, đơn vị từng hợp tác với nhà mạng nước ngoài có chất lượng dịch vụ khá tốt, vấn đề là họ cũng vừa “thay máu” nhân sự cấp cao và đang bước vào giai đoạn cổ phần hóa quan trọng. Nếu MobiFone sớm giải quyết được vấn đề nội tại, thì rất có thể đây sẽ là đối thủ đáng gờm của cả VinaPhone và Viettel.
“Thông tư 15/2015/TT-BTTTT sẽ giúp các nhà mạng như VinaPhone chủ động hơn, linh hoạt hơn trong kinh doanh. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với Viettel là chuyện rất khó”, ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc VinaPhone cho biết.
Theo ông Hải, hơn 10 năm trước, Viettel cạnh tranh với VinaPhone, MobiFone bằng giá cước. Lúc đó, thị trường chưa bão hòa, giá cước di động còn rất cao và bằng chiến lược giá rẻ, Viettel đã thành công. Nhưng ở thời điểm này, chiến lược cạnh tranh của VinaPhone phải khác biệt chứ không chỉ bằng giá cước.
Có thể thấy, cơ hội để VinaPhone, MobiFone bứt phá, cải thiện thị phần đang song hành cùng với những thách thức. Vấn đề là hai nhà mạng này có nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội và hóa giải thành công thách thức hay không mà thôi.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn