Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép 2 doanh nghiệp này được xuất khẩu tổng cộng 2 triệu tấn than trong năm 2015.
Theo tính toán của Bộ Công thương, thì năm 2015, ước tính sản lượng than thương phẩm của cả ngành đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 ước tính là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn. Trong số này, chủng loại than đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho điện (từ cám 4 trở xuống) chiếm 60 - 95%.








Đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và năm 2016 thừa 2 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng khoảng 5,5 triệu tấn, còn năm 2020 nhập khẩu khoảng 26,5 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Vinacomin đạt doanh thu 45.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi mong muốn đạt tăng trưởng cao hơn nhưng sản xuất than năm nay có đặc thù. Đầu năm, Chính phủ đã có chỉ đạo dừng xuất khẩu than cám, nên trong nửa đầu năm chỉ xuất khẩu được vài trăm nghìn tấn là than cục và than cám chất lượng cao, phục vụ luyện thép và làm điện cực cho khách hàng Nhật Bản. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức xuất khẩu than của các năm trước đó”, ông Biên nói và cho biết, xuất khẩu than mới chỉ bằng 18% so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2014, Vinacomin đã xuất khẩu được 6 triệu tấn than, còn năm 2013 là 14 triệu tấn.
Cũng theo ông Biên, sản xuất và tiêu thụ than vẫn là ngành chính của Vinacomin và vẫn giữ được sản lượng tương đương năm 2014. Tuy nhiên, xét về hiệu quả của doanh nghiệp lại có phần giảm sút. “Nếu tính cả số nộp ngân sách và lợi nhuận thì cao hơn năm 2014, nhưng do thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí môi trường cao hơn, nên phần lợi nhuận của doanh nghiệp thấp hơn”, đại diện Vinacomin cho hay.
Vinacomin cũng lên kế hoạch năm 2015 tiêu thụ 38 triệu tấn than thương phẩm. Trong đó, xuất khẩu 2 triệu tấn, gồm than cục 0,9 triệu tấn, than cám loại 1, 2, 3 và 5 là 1,1 triệu tấn; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản và Lào. Hiện xuất khẩu sang Lào than cám 5 với khối lượng 110.000 tấn/năm được xem là vừa tạo điều kiện cho Công ty Kinh doanh Than Nghệ Tĩnh (thành viên Vinacomin) và duy trì quan hệ láng giềng giữa 2 nước.
Với Tổng công ty Đông Bắc, lượng than tiêu thụ năm 2015 được lên kế hoạch là 4,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 4,55 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 0,25 triệu tấn, chủ yếu sang Nhật Bản.
Các quan chức của ngành than cho hay, việc xuất khẩu một số loại than mà trong nước không tiêu thụ hết, hoặc than tốt có giá trị cao, trong khi vẫn nhập khẩu than ở các chủng loại thấp hơn về cho điện là bài toán kinh tế đã được cân nhắc tổng thể.
Hiện việc xuất khẩu than sang thị trường Nhật Bản được xem là mang lại nhiều lợi ích. Theo tính toán của Vinacomin, 1 tấn than cám chất lượng tốt có giá bằng 1,5-2 tấn than cám cho sản xuất điện. Bởi vậy, nếu không được xuất khẩu than cám chất lượng tốt sang Nhật Bản, ngành than sẽ gặp khó khăn như mất cân đối tài chính, ứ đọng vốn do than sản xuất ra không tiêu thụ được. “Ngoài ra, sẽ giảm cơ hội tham gia thị trường than thế giới, dẫn tới khó khăn trong việc tìm kiếm, đàm phán, ký kết các hợp đồng nhập khẩu than”, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận xét và cho biết, năm 2014, Nhật Bản đã nhập khẩu 877.434 tấn than với trị giá 109 triệu USD.
Dẫu vậy thì cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét việc cho rằng không nên cho xuất khẩu than cám năm 2015, nhằm tăng dự trữ cho nhu cầu sản xuất điện các năm 2018-2020, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế xuất khẩu với than.n
Thanh Hương

Theo baodautu.vn