Trong công văn trả lời Cục Giám sát quản lý về hải quan về việc kiểm dịch dăm gỗ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT (hướng dẫn Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ 1/1/2015), thì thì dăm gỗ, giường tủ, bàn ghế, đồ thủ công mỹ nghệ là sản phẩm của cây được sản xuất từ thân, cành cây gỗ nên là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế thì dăm gỗ và giường tủ, bàn ghế, đồ thủ công mỹ nghệ đã qua các công đoạn sản xuất như băm hoặc ngâm tẩm, sấy, đánh bóng, sơn... về cơ bản đã loại trừ được nguy cơ mang theo sinh vật gây hại nên sẽ không phải bắt buộc phải kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu.
Quyết định không kiểm dịch thực vật bắt buộc với dăm gỗ của Bộ NN&PTNT được nhiều DN hưởng ứng vì hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam không yêu cầu kiểm dịch dăm gỗ và đồ gỗ nhập khẩu (ví dụ Nhật Bản), trong khi đó, chi phí kiểm dịch mà DN phải gánh lại rất tốn kém.
Tại một hội thảo mới đây, chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình cho biết phí kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu hiện được thu theo lô 500 tấn. “Tức là một tàu chở 40 nghìn tấn dăm gỗ thì phải tính phí 80 lô, nhân với 544.000 đồng một lô thì phí kiểm dịch là hơn 43 triệu đồng. Đó là chưa kể, dăm gỗ hút ẩm rất nhiều, nhiều khi lên tới 50% trọng lượng”, ông Bình nói.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn