Cụ thể, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng gói thầu số 2 (tuyến metro trên cao dài 17,1 km từ ga Ba Son, quận 1 đến ga Suối Tiên, quận 9). Hiện các nhà thầu đã thi công đạt 40% khối lượng.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2015, tuyến metro trên cao (đoạn trên xa lộ Hà Nội) với 12 km đã được lắp dầm cầu đầu tiên. Theo đại diện Liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 6 (Việt Nam), dầm cầu này được sử dụng công nghệ lắp hẫng cân bằng, lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Với phương pháp thi công hiện đại này, một nhịp dầm cầu chỉ lắp trong ba ngày. Dự kiến trong vòng 390 ngày sẽ lắp xong toàn bộ dầm cầu của tuyến metro trên cao. Theo kế hoạch, sẽ có 4 mũi thi công lắp dầm đồng thời. Đối với việc thi công các nhà ga, hiện đang làm 10/11 nhà ga và cơ bản đã xong kết cấu phần dưới, đang thi công phần thượng.






Theo công nghệ lắp hẫng cân bằng, một nhịp dầm cầu chỉ lắp trong 3 ngày. Ảnh: Lê Toàn




Trong khi đó, ở gói thầu 1b xây dựng đoạn nhà ga ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son dài 1,3 km đã thi công đạt 8% khối lượng. Còn gói thầu 1a xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố dài 515 m sẽ tổ chức đấu thầu trong quý III/2015.
Theo ông Cường, việc lắp đặt các dầm cầu của tuyến metro trên cao đánh dấu giai đoạn rất quan trọng của dự án xây dựng tuyến metro số 1. Đồng thời, có ý nghĩa quyết định đến tiến độ toàn dự án. “Tuyến metro số 1 sẽ sớm xong và đưa vào hoạt động vào năm 2018, trước 2 năm so với kế hoạch”, ông Cường tự tin.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã được UBND TP.HCM chấp thuận bình đồ vị trí, mặt bằng và phạm vi ranh giới thu hồi đất của 9/9 nhà ga. Tại tuyến metro trên cao Tham Lương, việc giải phóng mặt bằng có 107 hộ bị ảnh hưởng, đến nay đã có 76 hộ bàn giao mặt bằng. Dự kiến, đến tháng 9/2015 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của tuyến metro trên cao Tham Lương. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, thiết kế nền tảng lẫn công tác đấu thầu đang triển khai hoàn tất thủ tục.
Cũng theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tính đến thời điểm này, tuyến metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc mới – cầu Sài Gòn) đã thu xếp đủ nguồn vốn và hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Như vậy, tiến độ các tuyến metro tại TP.HCM đang có những biến chuyển tốt. Vấn đề mà dư luận quan tâm, đó là, độ trễ của tiến độ đã khá dài có khiến tổng mức đầu tư của từng dự án metro có tăng và nếu tăng thì là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi này, ông Cường cho biết, tính đến nay, tổng mức vốn đầu tư của các dự án metro tại TP.HCM không tăng.
Cụ thể, tại tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố sẽ đảm bảo kết thúc dự án vào năm 2020. Tổng mức đầu tư của dự án là 47.325,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số gói thầu tại tuyến metro trên cao Tham Lương (tuyến metro số 2) có giá trị dự toán tăng thêm do điều chỉnh thiết kế. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM thì việc này không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 2 đã được phê duyệt.
Tại tuyến metro số 5, đến nay đã thu xếp đủ nguồn vốn và hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án gần 41.615 tỷ đồng (đã bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó nguồn vốn đến từ Chính phủ Tây Ban Nha, một số ngân hàng trên thế giới và vốn đối ứng của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, giai đoạn 1 của tuyến metro số 5 là dự án quan trọng quốc gia, do đó phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Hiện, các ngành chức năng của TP.HCM đang hoàn tất các thủ tục để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
H.Sơn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: