Xem bài 1: Khi tư nhân kéo doanh nghiệp nhà nước vào “trận chiến” thị trường
Những nhà đầu tư coi M&A như nghề mong muốn tham gia vào quá trình làm cho tài sản nhà nước được minh bạch, rõ ràng hơn, hiệu quả hơn và sau cùng là muốn đồng vốn họ đầu tư sẽ sinh lời hơn, tạo dòng tiền tốt cho các cổ đông, nhưng sự uốn éo của quá trình này có nhiều lý do khiến họ khó mở lòng chia sẻ.
Song có những lý do mà giới phân tích, chuyên gia độc lập gọi thành tên. Ông Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc Công ty TNK Capital Partners đã từng thốt lên quan điểm thẳng thắn với giới truyền thông rằng, nếu câu chuyện cổ phần hóa các DNNN hoạt động trong lĩnh vực truyền thống gần như có được sự đồng thuận trong xã hội, thì làn sóng mới lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đến từ những người trước nay vốn ủng hộ quá trình này.






Việc định giá chính xác các tài sản hoặc các giá trị các DNNN đang sở hữu không phải là công việc đơn giản





Tham khảo sự phân tích của ông Dự về những nỗi sợ chính khiến nhiều người hoài nghi, hoặc phản đối mới thấy bài toán cổ phần hóa DNNN không dễ rạch ròi như một phép tính. Trong đó, có chuyện bán rẻ, bán đắt. Việc định giá để có “giá hợp lý” đối với các doanh nghiệp đã niêm yết vốn dĩ khó, vì nó tùy thuộc vào điều kiện thị trường và hàng loạt biến động (ngắn hạn), nên việc định giá các tài sản hoặc các giá trị các DNNN đang sở hữu còn khó hơn nhiều lần.
Các DNNN làm ăn kém hiệu quả, nên việc đánh giá giá trị nhóm doanh nghiệp này dựa vào số liệu kinh doanh trong quá khứ sẽ không chính xác. Nếu định giá dựa vào các dự phóng tương lai sau khi chuyển sang tay tư nhân thì lại càng khó chính xác. Vì thế, việc bán tài sản hoặc tư nhân hóa thường được dựa vào việc đấu thầu công khai.
Thế nhưng, việc đấu thầu công khai khi bán các DNNN lớn, hoặc các tài sản giá trị lớn của nhà nước cũng khó ở chỗ không có nhiều nhà đầu tư tư nhân có khả năng tài chính để mua.
“Một cuộc đấu giá sẽ chẳng có mấy giá trị nếu chỉ có vài đối tượng tham gia, nhất là các đối tượng này lại… nghèo tiền mặt. Đây là tình huống rất thực tế ở Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhỏ bé và không có nhiều tiền để mua các khối tài sản lớn, khiến cho tính cạnh tranh của các cuộc đấu giá không cao. Đó là chưa kể một số trường hợp thậm chí còn không qua đấu thầu”, ông Dự nói.
Câu chuyện bán rẻ, đắt sẽ dẫn đến nỗi sợ tư nhân lũng đoạn. Các tài sản liên quan đến hạ tầng thường có tính độc quyền cao, khách hàng ít có lựa chọn khác. Vì thế, không ít người lo ngại khi rơi vào tay tư nhân, giá cả sẽ tăng đột biến, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể không chắc khu vực tư nhân ở Việt Nam, vốn hết sức non trẻ trong lĩnh vực hạ tầng, có thể khai thác một cách hiệu quả các tài sản này.
Bên cạnh đó, viễn cảnh một vài tập đoàn tư nhân vượt lên trở thành những doanh nghiệp kếch xù và đa ngành theo kiểu Chaebol của Hàn Quốc cũng không phải là một viễn cảnh vui vẻ gì với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là việc các tập đoàn này vượt lên lại thông qua các giao dịch mua lại tài sản nhà nước với giá hời. Ở đây, có một thế tiến thoái lưỡng nan, đó là nếu không phải tập đoàn lớn thì không thể có nguồn lực tài chính để mua, mà nếu tập đoàn lớn mua, thì họ sẽ còn trở nên lớn hơn nữa.
Trong bối cảnh này, vai trò dẫn dắt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dần bị phai mờ, nhưng làm sao để quá trình cổ phần hóa DNNN đảm bảo lợi ích kinh tế chung, vừa đem lại sự công bằng cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư thì lại không đơn giản, bởi còn nhiều hoài nghi, lấn cấn.
Anh Hoa

Theo baodautu.vn