Từ khi đưa vào hoạt động, đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội đã 12 lần gặp sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp tới 70.000 hộ dân




Sự việc này lại đặt ra nhiều câu hỏi cần trả lời với cổ đông của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nhất là trong thời điểm cơ quan quản lý đang thẩm định phương án đầu tư đường ống số 2.
“Vá lỗi” bị động
Sự cố lần thứ 11 vỡ đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội xảy ra tại vị trí km 26+760 nằm ngay cạnh Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận huyện Thạch Thất) đêm 21/7. Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng) cho biết, vị trí xảy ra vỡ đường ống lần thứ 11 là khu vực đã từng xảy ra các lần vỡ đường ống trước đây. “Khu vực từ km 21 đến km 27 trước đây đã xảy ra vỡ đường ống. Việc vỡ này không phải do quy luật nào, mà có thể do chất lượng đường ống và khu vực nền đất yếu”, ông Quân nói.
100 cán bộ, công nhân viên và rất nhiều máy móc của CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã phải lội mưa trong đêm để khắc phục sự cố. Vậy mà đêm 24/7, đường ống nước Sông Đà cung cấp nước cho TP. Hà Nội lại bị vỡ lần thứ 12. Hàng chục ngàn hộ dân tiếp tục bị ảnh hưởng tới sinh hoạt.
Theo đánh giá, việc đường ống nước sạch Sông Đà liên tục vỡ trong 3 năm qua (kể từ cuối năm 2012) đã gây thất thoát gần 1,3 triệu m3 nước, mất hơn 9,3 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, đồng thời làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng vạn hộ dân. Lần vỡ đường ống trước đó vào ngày 15/1/2015 đã làm ảnh hưởng tới khoảng 70.000 hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông...
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco cho hay, Công ty cũng chỉ đang “chạy theo”, “vỡ ở đâu thì khắc phục ở đó”. “Đường ống nước Sông Đà dài 46 km, chúng tôi không thể đào tất cả lên để kiểm tra. Chúng tôi cũng đang bị động, không biết phải làm sao”, ông Tốn phân trần.
Câu trả lời của ông Tốn không khác là bao so với câu trả lời của ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex với cổ đông trước đó khi được chất vấn: “Đường ống nước Sông Đà có thể vỡ bao nhiêu lần nữa?”.
Với những gì đang diễn ra, cổ đông của Vinaconex không khỏi băn khoăn, phải chăng Công ty đang đánh cược hoạt động kinh doanh và cả việc cung cấp nguồn nước ổn định cho người dân vào sự may rủi. Trong khi đối với một doanh nghiệp, việc lập kế hoạch và tuân theo nó luôn có vai trò quan trọng hàng đầu.
Chật vật dự án tuyến số 2
3 ngày sau sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 9 vào ngày 12/7/2014, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức họp khẩn, sau đó yêu cầu khởi công tuyến ống truyền dẫn nước sạch từ Quốc lộ 21 đến Đường vành đai 3 (tuyến đường ống nước sạch số 2) trước tháng 9/2014, để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định cho các hộ dân trong Hè 2015. Tuyến số 2 do Vinaconex làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên đến nay, hơn một năm sau cuộc họp đó, tuyến đường ống số 2 vẫn chưa được khởi công. Theo thông tin từ Vinaconex, hiện Công ty đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh các bước chuẩn bị đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn 2. Trong đó, các phần việc như thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… của dự án đang được Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Công ty dự kiến sẽ tiến hành mời thầu quốc tế trong cung cấp vật tư vào tháng 8/2015, sớm khởi công dự án và phấn đấu hoàn thành để cung cấp nước bổ sung cho nhân dân Thủ đô vào mùa Hè 2016. Đáng lưu ý là thông tin này đã được nhắc đến rất nhiều lần trong các thông cáo trước đây của Vinaconex mỗi khi đề cập đến sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.
Với những gì đang và sẽ diễn ra, cổ đông của Vinaconex tiếp tục phải gánh chịu thiệt hại như thế nào? Trước mắt có thể thấy, nhiều doanh nghiệp họ Vinaconex sẽ bị ảnh hưởng khi tới đây, phương thức đầu tư đường ống nước giai đoạn 1, với nhiều doanh nghiệp thành viên của Vinaconex tham gia đầu tư dự án theo quy trình khép kín, bị dẹp bỏ. CTCP Sản xuất ống cốt sợi thủy tinh và dây chuyền sản xuất mà Vinaconex nhập về để phục vụ các dự án nước cũng có nguy cơ xếp xó, lãng phí rất nhiều.
Không chỉ các cổ đông bên ngoài, Nhà nước cũng sẽ bị thiệt hại với những sự cố này của Vinaconex khi trên 7% vốn điều lệ của Vinaconex hiện do cổ đông Nhà nước là SCIC và Tập đoàn Viettel sở hữu.
Trần Hà (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn