Việc đăng ký kinh doanh trực tuyến sẽ giảm tải cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh




Bộ cũng vi phạm luật
Các điều kiện kinh doanh hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp theo Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành ngày 13/7/2015 sẽ không có hiệu lực. Thông tư này quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.
Điều này là đương nhiên khi chiếu theo Điều 7 và Điều 74 về điều kiện đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư vừa có hiệu lực ngày 1/7/2015. Theo đó, những điều kiện kinh doanh được ban hành sau ngày 1/7/2015 mà trái thẩm quyền sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và không có hiệu lực thi hành.
Như vậy, cho dù thời điểm hiệu lực của Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH là ngày 1/9/2015, nghĩa là phải đợi hơn một tháng nữa kể từ ngày hôm nay, nhưng một phần của Thông tư này đã bị tuyên vô hiệu.
Tuy nhiên, có vẻ như sự đương nhiên này không dễ đến được với những người thực thi, nhất là các doanh nghiệp. Ngay trên trang thông tin của Bộ Tư pháp, ở phần văn bản chính sách mới, Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH vẫn được giới thiệu đầy đủ. Đó là chưa kể trang thông tin giới thiệu văn bản pháp luật khác.
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thừa nhận, việc kiểm soát và thông tin về những điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền không hề đơn giản, nhất là với các doanh nghiệp không có bộ phận chuyên về pháp lý.
Hiện tại, theo thông tin ông Hiếu nhận được, một số bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh, mà Thông tư 25/2015/TT-BLĐTBXH chỉ là một trong số các trường hợp bị phát hiện.
“Chúng tôi đang đề nghị thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có đầu mối canh cửa các điều kiện kinh doanh kiểu này. Mặc khác, với những điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2015 sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016, cũng cần phải có đơn vị rà soát và công bố, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi đúng Luật”, ông Hiếu cho biết.
Theo thống kê của CIEM, đến ngày 30/6/2015, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 5.826 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau. Trong số đó, các điều kiện đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 lên tới con số 2.833.
“Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng sẽ tham gia rà soát và bãi bỏ những điều kiện kinh doanh mặc dù được ban hành đúng thẩm quyền nhưng không còn cần thiết và không phù hợp. Đây cũng là một công việc khó”, ông Hiếu thừa nhận.
Doanh nghiệp thiếu chủ động
Cán bộ nhiều phòng đăng ký kinh doanh, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM đang đối diện với sự quá tải và áp lực công việc. Đương nhiên, các doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh cũng phải chia chung áp lực này.
Tính từ ngày 1 đến 27/7/2015, cả nước có 6.493 doanh nghiệp được thành lập mới. Con số này tăng 65,7% về so với cùng kỳ năm 2014. Đi kèm với khối lượng công việc mới mà Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cho các phòng đăng ký kinh doanh theo tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, lấy phần khó về phía nhà nước, khối lượng công việc của công chức phòng đăng ký kinh doanh tăng lên nhiều so với thời gian từ ngày 1/7/2015 trở về trước.
Ví dụ, theo Luật Doanh nghiệp 2014, Cơ quan Đăng ký kinh doanh phải thực hiện thông báo mẫu dấu, đăng ký cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh không tăng lên. Trong khi trước đó, toàn bộ phần việc liên quan đến con dấu thuộc về Bộ Công an. Phần liên quan đến doanh nghiệp FDI thuộc về cơ quan đăng ký đầu tư.
“Số doanh nghiệp đăng ký tăng nhanh, việc thực thi các quy định mới gây bỡ ngỡ cho cả doanh nghiệp và công chức. Nhưng với các quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp chủ động thực hiện đăng ký kinh doanh trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, áp lực cho chính doanh nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Hiếu băn khoăn khi phần lớn doanh nghiệp vẫn chọn cách đăng ký trực tiếp.
Cũng phải nói thêm, dường như tính chủ động trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Ngay như quy định về thời điểm có hiệu lực của con dấu, theo quy định của Luật và Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp tự quyết định nội dung, hình thức và thời điểm có hiệu lực của con dấu, chứ không phải do cơ quan đăng ký kinh doanh. “Vừa rồi, có một số doanh nghiệp phản ánh phải đợi 3 ngày để con dấu có hiệu lực. Chúng tôi giải thích lại, doanh nghiệp có toàn quyền quyết định con dấu có hiệu lực ngay khi công bố hoặc sau một thời gian nào đó“, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm rõ.
Cho tới ngày 29/7/2015, đã có 5.970 mẫu dấu được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bảo Duy

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: