Buổi nói chuyện giữa chúng tôi và ông Phạm Văn Tam, Giám đốc Công ty Asanzo, thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại từ đại lý bán tivi, nhân viên trao đổi công việc, hay những đơn đặt hàng từ đối tác. Sau khi đặt điện thoại xuống bàn, ông Tam vui mừng chia sẻ: “Đối tác vừa đặt 23.000 tivi Asanzo để xuất sang Cuba. Chúng tôi sẽ giao hàng trong 3 tháng tới”.
Các nhà sản xuất tivi nước ngoài đang bỏ trống phân khúc giá rẻ, vì tỷ suất lợi nhuận không cao. Nắm bắt nhu cầu thực tế ở phân khúc này, ông Phạm Văn Tam đã trở thành “vua” tivi giá rẻ ở Việt Nam.











Giá rẻ nhất thị trường
Xuất hiện từ cuối năm 2013, nhưng Asanzo đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường tivi ở phân khúc giá bình dân. Với giá bán thấp hơn các sản phẩm cao cấp nước ngoài cùng loại khoảng 30-40%, Asanzo đang có giá thấp nhất thị trường.
Chẳng hạn, một chiếc tivi màn hình LED 32 inches (màn hình dùng đèn LED chiếu sáng) hiệu LG có giá 5,5 - 5,8 triệu đồng/chiếc, thì sản phẩm của Asanzo chỉ ở mức 3,5 - 3,6 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, giá đầu vào linh kiện giữa các nhà sản xuất không chênh lệch nhiều. Nhờ lợi thế này, năm 2014, Asanzo đã bán được 122.000 sản phẩm và đạt mức hơn gấp đôi chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, chủ yếu tập trung ở thị trường nông thôn.
Phát triển nhanh không hẳn chỉ nhờ lợi thế giá rẻ, mà còn nhờ Asanzo nắm bắt được nhu cầu rất lớn ở phân khúc này. Ông Tam cho biết, nhà cung cấp linh kiện ở Nhật Bản đã rất ngạc nhiên khi lượng đặt hàng từ Asanzo tăng nhanh trong thời gian ngắn. Khi họ sang Việt Nam tìm hiểu thì cũng đồng tình với hướng đi của công ty. Linh kiện tivi thuộc phân khúc giá rẻ tại Nhật Bản được tiêu thụ chiếm đến 80% doanh số, trong khi phân khúc cao cấp và siêu cao cấp chiếm phần còn lại. Tại Việt Nam, doanh số Asanzo cũng thể hiện xu hướng tương tự.
Hiện nay, mỗi tháng, Asanzo bán ra khoảng 30.000 tivi LED và 20.000 tivi CRT (màn hình lớn dùng đèn huỳnh quang chiếu sáng). Công ty cũng có sản phẩm tivi thông minh, nhưng giá trị bán ra chỉ chiếm 1% doanh thu, cho thấy nhu cầu ở phân khúc này không cao.
Nhờ có hướng đi riêng, thị phần Asanzo tăng nhanh và đang chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc bình dân. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, Asanzo đang chiếm gần 10% thị phần trên thị trường tivi nói chung. Bên cạnh đó, các ông lớn của ngành như Sony dẫn đầu với 31%, Samsung 27% và LG chiếm 18%. Theo ông Tam, thị phần của Công ty chắc chắn sẽ tăng mạnh trong năm 2015.
“Mục tiêu doanh thu của Asanzo năm nay sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2014”, ông Tam tự tin nói và cho biết, năm 2014, Asanzo đạt 300 tỷ đồng doanh thu với tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu đạt 10% so với ngưỡng 7-10% của thị trường.
Nhu cầu thị trường đối với tivi giá rẻ ở Việt Nam hiện khoảng 3.000 tỷ đồng. Do đó, dư địa tăng trưởng của Asanzo còn rất lớn. Nếu đạt doanh số như kế hoạch năm 2015, thì Asanzo sẽ nắm hơn 30% thị phần ở phân khúc bình dân, xem như thống lĩnh thị trường.
Đánh giá về khả năng này, ông Tam nói: “Chúng tôi rất tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh”. Không chỉ vậy, ông cũng cho biết, đang lên kế hoạch mở thêm nhà máy để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh ở khu vực phía Bắc. Hiện Công ty đã có nhà máy tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) với diện tích 10.000 m2, với giá trị đầu tư 400 tỷ đồng.
Bí quyết giá rẻ của ông Tam
Asanzo không phải là công ty đầu tiên sản xuất tivi giá rẻ. Trước đây, đã có nhiều tên tuổi nổi tiếng như VTB, SAM, TCL hay Belco. Gần đây, còn có thêm Arirang, doanh nghiệp vốn nổi tiếng với các thiết bị karaoke. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt hiệu quả như kỳ vọng, nhất là với mức tỷ suất lợi nhuận không cao của ngành. Asanzo đạt được mức lợi nhuận tốt nhờ có những bí quyết riêng, chủ yếu là giảm chi phí đến mức tối thiểu.
Cái khác của Asanzo là áp dụng giá rẻ cho các sản phẩm cao cấp. “Giá rẻ không có nghĩa là chất lượng thấp”, vị doanh nhân này khẳng định. Theo ông Tam, các nhà sản xuất nước ngoài hiện cung cấp phần lớn là sản phẩm tivi cao cấp với nhiều tính năng hiện đại. Trong khi đó, người dùng thường không sử dụng hết các tính năng này. Nhờ kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành điện tử, ông Tam đã bớt đi các chi tiết thừa, giúp giá sản phẩm giảm đáng kể. Đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với nghề.
Khoảng năm 2001, ông Tam theo gia đình vào Nam kinh doanh linh kiện điện tử tại chợ Nhật Tảo (TP.HCM). Sau vài năm tích lũy kinh nghiệm, ông Tam sang các nước lân cận nhập hàng về bán sỉ lại cho các nhà bán lẻ tại đây. Nhờ làm ăn uy tín, quy mô kinh doanh của ông ngày càng mở rộng.
Đến năm 2013, khi thị trường chuyển từ xu hướng dùng màn hình CRT sang màn hình LED, doanh nhân người Quảng Ninh này quyết định tạo dựng thương hiệu riêng. Đầu năm 2014, Asanzo ra đời. Quá trình gắn bó lâu dài với các linh kiện điện tử, giúp ông Tam biết cách giữ lại những ứng dụng thật sự cần thiết cho sản phẩm tivi Asanzo, mà không làm giảm chất lượng sản phẩm.
Có sản phẩm rồi, ông Tam quyết định sang Nhật Bản tìm mua linh kiện giá gốc để giảm chi phí đầu vào. Nhờ đi thực tế, mà ông Tam nhìn rõ lợi ích của bức tranh nhập linh kiện so với nhập sản phẩm nguyên chiếc. Mỗi container chỉ chứa được khoảng 200 sản phẩm, nhưng chứa linh kiện có thể được gấp 10 lần. Thậm chí, thuế nhập sản phẩm cao hơn 13 lần so với thuế linh kiện. Trong khi đó, lắp ráp trong nước còn giúp Asanzo tận dụng được giá nhân công rẻ gần gấp đôi so với các nước bán linh kiện như Nhật hay Hàn Quốc. Điều này cũng giúp lý giải phần nào nguyên nhân kinh doanh chưa hiệu quả của một số công ty làm tivi giá rẻ trong nước.
“Nếu doanh nghiệp nhập sản phẩm, hoặc nhập linh kiện qua công ty trung gian thì khó có được giá đầu vào cạnh tranh”, ông Tam nhận định.
Một yếu tố khác giúp Asanzo có thể cho ra sản phẩm giá rẻ nhất thị trường nhờ bộ máy quản lý gọn nhẹ. Công ty không có nhiều ban bệ, các quản lý cấp dưới và ngay cả ông Tam, có thể giải quyết trực tiếp phản ánh từ khách hàng hay đại lý. Trong một đợt đi thị sát thị trường Tây Nguyên mới đây, ông Tam nhận được góp ý của khách hàng ngay tại đại lý về bao bì sản phẩm. Khu vực Tây Nguyên mưa nhiều, khách yêu cầu có bao bì chống thấm nước. Ngay lập tức, ông Tam đặt hàng lô bao bì mới, với chất liệu giấy pha nhựa chống thấm nước cho khách hàng khu vực này. Hôm sau đã có hàng về đại lý.
Có thể nói, giảm chi phí quản lý là chìa khóa giúp Asanzo chuyên tâm theo chiến lược giá rẻ và đang thắng thế. Nhưng sắp tới, mà gần nhất là năm 2015, khi quy mô hệ thống bán hàng tăng nhanh cùng với doanh thu, giảm chi phí sẽ là bài toán khó hơn nhiều tình trạng hiện nay. Asanzo hiện có khoảng 1.000 đại lý rải khắp từ Bắc vào Nam. Để giải quyết vấn đề này, ông Tam đang cân nhắc nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp sản xuất tivi tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, vị doanh nhân trẻ này còn tính đến chuyện tìm nhà đầu tư chiến lược. Qua đó, Asanzo không những được chia sẻ kinh nghiệm, mà còn được hỗ trợ về mặt tài chính.
Tuy nhiên, trước khi nhà đầu tư rót vốn, hẳn họ cũng sẽ lo ngại về sự thoái trào của sản phẩm tivi giá rẻ trong tương lai gần. Kinh tế phát triển kéo thu nhập tăng lên, việc chọn một chiếc tivi cao cấp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ông Tam nhìn nhận chuyện này là có thật. “Nhưng ít nhất 5 năm nữa, tivi giá rẻ mới hết thời”, ông nói. Lúc đó, Asanzo đã tích lũy đủ nguồn lực cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Và nếu phải chuyển sang phân khúc cao cấp, Asanzo cũng đã có sẵn hệ thống để thực hiện. Ngoài nguồn lực nhân sự và nhà máy, Asanzo cũng có những sản phẩm thuộc dòng cao cấp. Vì vậy, vấn đề còn lại chỉ là tăng số lượng sản phẩm của phân khúc này lên. Hiện tại, trong cơ cấu doanh thu, Asanzo còn có các sản phẩm điện gia dụng khác, chiếm khoảng 20% doanh thu mỗi năm. Đáng chú ý là, mảng này có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu cao gấp 3 lần mảng tivi.
Ngọc Dương

Theo baodautu.vn