Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 77.75 tỷ USD, tăng 9,3% (tương đương mức tăng 6,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn được hiểu theo hai nghĩa: những mặt hàng có kim ngạch lớn và những mặt hàng có kim ngạch tăng lớn so với cùng kỳ năm trước. Trong 45 mặt hàng chủ yếu, mới qua 6 tháng, đã có 16 mặt hàng đạt kim ngạch lớn (trên 1 tỷ USD) và có 10 mặt hàng có mức tăng lớn so với cùng kỳ (trên 100 triệu USD).
Kim ngạch của 16 mặt hàng trên trong 6 tháng đầu năm đạt 52.24 tỷ USD, chiếm 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là tỷ trọng khá cao, cần được quan tâm, bởi giá trị tuyệt đối của 1% tăng hay giảm của các “đại gia” này tác động lớn đến quy mô và tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sự quan tâm cần được chú ý từ khâu đăng ký kinh doanh, địa điểm, lượng tín dụng và lãi suất, thị trường tiêu thụ, nộp ngân sách…
Danh sách này được nhận diện trên một số góc độ khác nhau.
Thứ nhất, tổng mức tăng so với cùng kỳ năm trước của những mặt hàng trên là 10.012 triệu USD, cao hơn cả tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, vừa bù cho các mặt hàng giảm, vừa kéo được mức tăng chung.
Thứ hai, trong 10 mặt hàng này, có 9/16 mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Một mặt hàng tuy không nằm trong “câu lạc bộ”, nhưng lại tăng khá như sắn và sản phẩm từ sắn.
Thứ ba, có 4 mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ cao hoặc tương đối cao là máy vi tính, điện tử và linh kiện, điện thoại và các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Các mặt hàng này đã góp phần đổi mới cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ có kỹ thuật - công nghệ cao, lại có thị trường xuất khẩu rộng lớn và có cơ hội được giảm thuế suất thuế nhập khẩu khi các FTA thế hệ mới đi vào thực hiện, nên sẽ thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, nên xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao.
Thứ tư, có 3 mặt hàng là dệt may, giày dép, túi xách - ví - va li - mũ - ô dù thu hút được nhiều công ăn, việc làm, một trong những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Đây cũng là những mặt hàng có triển vọng tăng trưởng khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.
Thứ năm, có 3 mặt hàng nông, lâm, thủy sản (gỗ và sản phẩm từ gỗ, sắn và sản phẩm sắn, hạt điều) nằm trong nhóm ngành thuộc thế mạnh của Việt Nam, tuy đang gặp khó khăn về sản xuất, nhưng góp phần cơ cấu lại sản xuất của nhóm ngành này nhằm tăng thu nhập của nông dân và tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu.
Trong 45 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có 16 mặt hàng có kim ngạch giảm, trong đó có 8 mặt hàng có kim ngạch giảm trên 100 triệu USD so với cùng kỳ năm trước (dầu thô giảm 1.825 triệu USD, cà phê giảm 762 triệu USD, thủy sản giảm 513 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 340 triệu USD, xăng dầu giảm 288 triệu USD, sắt thép giảm 141 triệu USD, gạo giảm 131 triệu USD, clinker và xi măng giảm 119 triệu USD). Các mặt hàng này đang gặp khó khăn lớn về thị trường, giá cả, hiệu quả sản xuất... cần được tháo gỡ khó khăn về sản xuất, hỗ trợ thị trường...
Minh Nhung

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: