Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn





Nhận định chung về các hoạt động M&A, các diễn giả, chuyên gia đều cho rằng thời gian gần đây các doanh nghiệp tư vấn, nhà đầu tư rất bận rộn và số lượng thương vụ M&A tăng cả số lượng, giá trị thương vụ cao hơn và tính chắc chắn cũng cao hơn.
Theo ông John Ditty, Phó Tổng giám đốc của KPMG Việt Nam thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, số giao dịch đã bằng 75% của cả năm 2014 và dự báo sẽ có kết quả cao hơn khi kết thúc năm. “Không phải bắt đầu bùng nổ mà là cưỡi trên ngọn sóng M&A”, ông John Ditty ví von về sự tăng trưởng các hoạt động M&A thời gian gần đây và cho rằng đây không phải là xu hướng thông thường mà là hệ quả của những thay đổi của Việt Nam. Đó là, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, niềm tin nhà đầu tư tăng, môi trường đầu tư tốt hơn, nhiều sự thay đổi trong chính sách, nhất là ban hành các luật mới đã giúp hoạt động của nhà đầu tư ổn định và thuận lợi hơn.
Phân tích rõ hơn về các lĩnh vực chứng kiến sự sôi động các hoạt động M&A, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Recof Corporation (Nhật Bản) nhận xét, từ khóa dành cho các hoạt động M&A thời gian qua là “sự đa dạng hóa trong ngành hàng tiêu dùng”. Ông Masataka Yoshida lấy ví dụ về Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản là Aeon. Theo đó, chỉ mấy năm có mặt tại Việt Nam, Aeon đã thiết lập nhiều chuỗi bán lẻ, thông qua việc tự đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ngành hàng tiêu dùng, đã có nhiều tên tuổi lớn khác của Nhật Bản thuộc các lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư…đã đến Việt Nam và làn sóng này vẫn tiếp tục tăng. Kết quả là, nếu như trong năm 2014 chứng kiến 15 thương vụ M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản thì trong nay con số này có thể gấp đôi, theo ông Masataka Yoshida.
Nhận định về tương lai của thị trường M&A, các chuyên gia cho rằng, nói chung không khí là lạc quan, thị trường sẽ chứng kiến nhiều giao dịch tốt, có giá trị cao. Theo ông John Ditty trong 2 -3 năm tới sẽ ổn định, có thể không chứng kiến nhiều thương vụ có giá trị cực lớn nhưng niềm tin gia tăng, sẽ thu hút nhiều đối tác hơn… Trong khi đó, ông Masataka Yoshida cho rằng, cách đây khoảng 4 năm các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ nhắm đến các công ty có thương hiệu, hàng đầu tại Việt Nam thì hiện nay cơ hội sẽ dành cho các công ty xếp hàng thứ 2, thứ 3. “Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, các công ty nhỏ hơn của Nhật Bản có cơ hội đến đầu tư và họ sẽ chọn đối tác là những công ty không phải hàng đầu”, ông Masataka Yoshida nhìn nhận.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra góc nhìn về những khó khăn, vướng mắc của hoạt động M&A thời gian tới. Theo ông Hòa, có 2 nguồn cho các hoạt động M&A, đó là từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những vướng mắc chính lại ở việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ có 280 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và mới đây Chính phủ bổ sung thêm hơn 100 doanh nghiệp nữa, trong đó có lĩnh vực y tế. “Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm, viễn thông, y tế” , ông Hòa nói và cho biết ngay thương vụ cổ phần hóa Bệnh viện GTVT, khi vừa có thông tin phát ra đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, vướng mắc trong việc cổ phần hóa là thời gian. Theo quy định, việc doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần là 3 tháng sau khi được phê duyệt phương án. Thời gian hơi ngắn, khó thực hiện bởi thông thường các thương vụ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Do đó, theo ông Hòa, việc chuyển đổi này nên thực hiện thành 2 bước. Thứ nhất, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Sau đó, thực hiện IPO.
Cũng liên quan đến những vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị kỹ để thu hút được nhà đầu tư. Trong đó, việc định giá doanh nghiệp chưa sát theo giá thị trường; phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn yếu, thiếu sự phản biện nên sự thuyết không cao. Một vấn đề quan trọng, theo ông Tiến, đó là vấn đề minh bạch thông tin, nhất là đối với các nhà đầu tư tiềm năng. Đồng tình với đề xuất về việc nên thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước theo 2 bước, ông Tiến cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ có tham mưu cụ thể.
Trao đổi về những vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Nghị định về minh bạch thông tin của doanh nghiệp đã được Bộ tham mưu với Chính phủ để ban hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tham mưu với Chính phủ xem xét lại Nghị định 37 về nắm giữ cổ phần chi phối của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, sẽ sửa theo hướng mở rộng phần bán ra thị trường, kể cả những lĩnh vực nhà nước cần chi phối. Những lĩnh vực nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối sẽ bán rộng rãi ra thị trường.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông lấy ví dụ về việc lĩnh vực cấp nước sạch trước đây được quy định là nhà nước phải giữ cổ phần chi phối bởi e ngại không bảo đảm nước sạch theo tiêu chuẩn và giá bán hợp lý cho người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, có địa phương đã bán 100% cổ phần cho tư nhân nhưng vẫn bảo đảm 2 tiêu chí về chất lượng và giá bán nên Bộ tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới sẽ chỉ đạo trong những lĩnh vực này mà tư nhân bảo đảm được sẽ bán hết phần vốn của nhà nước.
Thứ trưởng cũng thông tin thêm, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều phát triển và trăng trưởng tốt hơn và việc cổ phần hóa thu lại được nguồn vốn cho nhà nước cao hơn so với sổ sách, không thất thoát vốn của nhà nước.
Hồng Sơn

Theo baodautu.vn