Ông Uene Kentaro, CEO của Vina Taiyo Spring Co Ltd (Nhật Bản)




Vina Taiyo Spring có mặt ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Công ty TNHH Vina Taiyo Spring (VTS) được thành lập năm 2007 tại Việt Nam, là công ty 100% vốn đầu tư từ Công ty TNHH THS Spring tại Osaka (Nhật Bản). Sản phẩm chính của Công ty là các sản phẩm gia công bằng phương pháp đột dập và tạo hình.
Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư cho các lĩnh vực như thiết kế, sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm bằng kim loại, gia công tiện, đánh bóng, hàn điểm, nhúng nhựa, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt. Các công đoạn mạ, sơn phủ được bảo đảm chất lượng bởi các công ty danh tiếng của Nhật Bản và Đài Loan.
Chất lượng là trọng điểm số một của VTS. Chúng tôi luôn tập trung sức và lực vào công cuộc tạo dựng nền tảng vững chắc cho chất lượng bằng việc đầu tư liên tục vào nhân tố con người và các thiết bị đo đạc, kiểm tra….
Các sản phẩm của chúng tôi được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử và các lĩnh vực khác. Chúng tôi mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn đang thiếu hụt trên thị trường Việt Nam.
Kỳ vọng của VTS đối với Vietnam Manufacturing Expo 2015 là gì? Những sản phẩm mà VTS sẽ giới thiệu tại sự kiện năm nay?
Việt Nam Manufacturing Expo 2015 là sự kiện không thể bỏ lỡ dành cho các nhà công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Triển lãm sẽ trưng bày các máy móc và công nghệ tiên tiến nhất phục vụ sản xuất công nghiệp của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm khách hàng mới thông qua triển lãm này. Chúng tôi sẽ giới thiệu một loạt sản phẩm như máy dập, máy xử lý nhiệt.







Vina Taiyo Spring là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử và xây dựng




Ông đánh giá thế nào về ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam?
Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng, thu hút đáng kể các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp, phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu. Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển hơn trong thời gian tới. Trong trường hợp các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu này, Nhà nước cần xem xét giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ các nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu, giá thành sản phẩm thấp hơn và phát triển các sản phẩm cạnh tranh hơn.
Cơ hội cho ngành công nghiệp Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay? Kế hoạch kinh doanh của VTS thời gian tới là gì?
Với việc thành lập AEC vào cuối năm nay, các doanh nghiệp trong ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội bán hàng với một mạng lưới kinh doanh rộng lớn hơn.
ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế cạnh tranh cao. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, quá trình giao dịch thương mại trở nên dễ dàng hơn. Thuế nhập khẩu là một trong những trở ngại khiến chi phí cao hơn cho ngành công nghiệp, do vậy, ASEAN sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tận dụng tối đa những lợi thế thuế quan.
VTS đang có kế hoạch xây dựng nhà máy nữa tại Việt Nam và mở rộng sự hiện diện tại thị trường Indonesia. Chúng tôi đang xây dựng thêm nhà máy tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD, nhằm tăng gấp hai lần quy mô hiện tại, sản lượng và doanh thu. Nhà máy mới dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và đưa vào hoạt động vào tháng 3/2016.
Nguyễn Chung

Theo baodautu.vn