Doanh nghiệp hứng khởi
Đặt mục tiêu cán mốc 550 triệu USD giá trị xuất khẩu trong năm 2015, trong đó, xuất sang EU chiếm 45%, Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè vừa đầu tư trên 300 tỷ đồng khởi công xây dựng Nhà máy May Nhà Bè - Hậu Giang, công suất 30 triệu sản phẩm/năm, nhằm đón đầu cơ hội những năm tới, trong đó, EU là thị trường mục tiêu.
Sản phẩm của Nhà máy May Nhà Bè được tính toán là những mặt hàng phù hợp với EU như veston, quần, thời trang nữ…
Ông Phạm Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Nhà Bè cho biết, EU là thị trường lớn nhất của May Nhà Bè, tiếp đó là Mỹ. Theo đó, các dự án đầu tư tăng năng lực sản xuất, đương nhiên là để phục vụ thị trường EU. Giai đoạn I của Nhà máy sẽ được hoàn thành và đi vào sản xuất ngay trong tháng 9/2015, tức chỉ sau 3 tháng xây dựng, với doanh thu 15 triệu USD. Toàn bộ Nhà máy sẽ hoàn thành trong năm 2016, nâng tổng doanh thu lên 30 triệu USD, tạo việc làm cho 4.000 lao động.
Vitas dự báo, khi có EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc tương tự trường hợp Bangladesh tăng trưởng mạnh vào EU kể từ khi hưởng ưu đãi về thuế GSP. Trước mắt, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ duy trì đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỷ USD.
Năm 2014, xuất khẩu dệt may sang EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2013. Không những vậy, thị phần cũng liên tục được cải thiện, từ 1,1% năm 2013 lên 2% vào cuối năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU đạt 1,54 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng nhập khẩu dệt may thị trường EU trong năm 2014 ước đạt 279,8 tỷ USD, tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2013, so với giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam thì vẫn rất khiêm tốn. Rõ ràng, cơ hội chỉ thành hiện thực khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trong nước được tăng cao để tận dụng cơ hội thị trường, tăng nhanh giá trị xuất khẩu.
Năm 2014, ngành da giày đạt giá trị xuất khẩu sang EU 3,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2013.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Đầu năm 2015, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã đầu tư nhà máy thứ 3 để nâng công suất lên thành 2,7 triệu đôi giày/năm nhằm đón cơ hội thị trường khi các FTA hiệu lực, trong đó, EVFTA là đích ngắm lớn.
Giám đốc điều hành Vĩnh Yên Shoes, ông Lê Thanh Thủy cho biết, thuế giảm mạnh là động lực lớn để doanh nghiệp đầu tư tăng năng lực sản xuất, đón bắt cơ hội thị trường. Không những vậy, EVFTA được ký kết cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu.
Thuế giảm tới đâu?
Ông Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đang bước vào giai đoạn ký kết.
99% dòng thuế hai bên sẽ xóa theo cam kết của hiệp định này, trong đó, căn cứ vào trình độ phát triển, lộ trình xóa thuế của Việt Nam là 10 năm, EU là 7 năm.
Cụ thể, ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam phải xóa ngay 65% các dòng thuế cho EU, đổi lại EU sẽ xóa ngay 71% các dòng thuế cho Việt Nam.
Như vậy, sau 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam, 99% tổng số dòng thuế giữa Việt Nam và EU sẽ được bãi bỏ hoàn toàn. Tỷ lệ còn lại chịu thuế (1%) là các mặt hàng nhạy cảm.
Lý giải thêm về lộ trình giảm thuế, ông Franz Jessen cho hay, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất thuế xuất khẩu hàng dệt may của EU sang Việt Nam sẽ được dỡ bỏ về 0%, còn với hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ dỡ bỏ dần sau 7 năm.
Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên Cơ quan Kinh tế và Thương mại thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam cho hay, EVFTA tạo động lực cho kinh tế Việt Nam, thậm chí còn tốt hơn cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, vì hàng hóa EU sản xuất ra đa phần không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, mà có tính bổ sung lẫn nhau.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD.
Tính toán của Mutrap, EVFTA có hiệu lực, với các dòng thuế được cắt giảm ngay, xuất khẩu sang EU sẽ tăng trưởng 30-40% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 20-25% so với khi chưa có EVFTA.
Tuy nhiên, khi thuế giảm, sẽ tăng mức độ cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng tốt các hàng rào phi thuế quan là những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật… để tận dụng cơ hội xuất khẩu trong dài hạn.
Thế Hải

Theo baodautu.vn