Giá vàng tăng vọt 800.000đ/lượng trong ngày 12.8, nhiều người dân lại đến các DN vàng bạc để giao dịch. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Cả thế giới lo lắng bởi Trung Quốc đang thổi bùng nguy cơ “chiến tranh” tiền tệ toàn cầu và liệu nước này có tiếp tục mạnh tay phá giá đồng nhân dân tệ trong những ngày tới?
Trong 2 ngày liên tiếp (11 - 12.8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ đưa ra hai thông báo điều chỉnh kỷ lục đối với tỉ giá tham chiếu hàng ngày. Đồng nhân dân tệ giảm giá liên tiếp mạnh nhất kể từ năm 1994. Hiện, đồng tiền này đã quay về mức chưa từng thấy kể từ tháng 8.2011. Ngay lập tức, sau tuyên bố điều chỉnh tỉ giá lần thứ hai của PBOC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) tuyên bố biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%.

USD lập tức tăng mạnh lên hơn 22.000 đồng

Phản ứng lại gần như tức thì sau thông tin điều chỉnh tỉ giá mà NHNN phát ra, tỉ giá niêm yết tại các NH liên tiếp tăng. Tính đến cuối ngày 12.8, ngân hàng BIDV niêm yết cặp tỉ giá ở hai chiều mua vào - bán ra ở mức 22.000 - 22.060 VND/USD. Tức là bật tăng 210 đồng ở mỗi chiều so với tỉ giá công bố vào cuối giờ chiều ngày 11.8.
Trong khi đó tại Vietcombank, tỉ giá VND/ USD là 21.990 (mua vào) và 22.060 (bán ra). So với một ngày trước đó, cặp tỉ giá được Vietcombank niêm yết tăng 205 đồng ở chiều mua vào và tăng 215 đồng ở chiều bán ra. Eximbank là một trong những ngân hàng niêm yết tỉ giá cao nhất tính đến cuối ngày 12.8 với mức mua vào - bán ra là 21.990 và 22.080 VND/USD.
Giá vàng trong nước chao đảo
Giá vàng SJC đã có lúc giảm nhẹ trong phiên sáng nhưng sau đó lại đảo chiều và tăng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định nới biên độ tỉ giá. Đến cuối chiều 12.8, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn vàng -bạc - đá quý DOJI giao dịch ở ngưỡng: 33,50 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,70 triệu đồng/lượng (bán ra). Thông thường, USD tăng giá sẽ khiến dòng tiền vào vàng yếu đi và vàng sẽ giảm giá, tuy nhiên giá vàng trong nước hôm nay lại chứng kiến phiên tăng giá ngoạn mục sau chuỗi ngày rớt giá thê thảm. Đại diện của Tập đoàn VBDQ DOJI cho biết: “Giá vàng ngày hôm qua đã có cú bứt phá ngoạn mục khi vượt ngưỡng 33 triệu đồng/ lượng sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp. Giá vàng miếng chạy trong biên độ từ 32,84 -33,05 triệu đồng/lượng. Số lượng khách mua chiếm 80% trên tổng lượng giao dịch”.
Phá giá VND để đối phó với Trung Quốc
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã vượt tầm dự đoán của họ. Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, thì: “Việc Trung Quốc phá giá mạnh NDT tác động lớn tới nền kinh tế VN”. Lý giải cho nhận định của mình, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết năm 2014, VN nhập siêu 30 tỉ USD.
Trong nửa đầu năm 2015, VN đã nhập siêu từ Trung Quốc đến 20 tỉ USD. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam, chiếm khoảng ¼ tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Với tỉ trọng nhập khẩu lớn như vậy thì việc TQ phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường nhập khẩu VN. Khi hàng hóa của “anh láng giềng” rẻ hơn thì nguy cơ hàng TQ tuần vào VN cả chính thức và buôn lậu tăng lên. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu của VN lại được lợi do nhập được hàng hóa giá rẻ.
Xét về chính sách tiền tệ, khi NDT càng phá giá thì càng đưa VN vào trạng phải đối phó vì mình muốn bảo vệ VND. Nếu VND tăng giá cao quá sẽ ảnh hưởng XK. Nếu NDT mất giá thì càng đẩy VN vào thế phải đối phó thì VN phải trả chi phí cho việc đó. NHNN ngày 12.8 phải phá giá thêm 1%. “Áp lực lên đồng VN vẫn cao. Nếu xuất khẩu giảm mạnh, nhập siêu tăng thì Việt Nam cần phải có ngoại tệ để trả, nếu cứ trả ngoại tệ thì mất đi dự trữ quốc gia, dự trữ quốc gia của VN vốn đã mỏng mà còn phải chi quá nhiều để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc” - TS Hiếu cho biết.
Còn TS Cấn Văn Lực - Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, thì nói: “Tôi nghĩ NDT mất giá không tác động trực tiếp đến VND, bởi thực tế VND biến động theo USD. Về cơ bản, trước khi NHNN công bố điều chỉnh tỉ giá, họ đã nghiên cứu kĩ tác động của nó với nền kinh tế, xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài…” - TS Cấn Văn Lực cho biết thêm.


Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam

Đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mặc dù hiện nay chưa có tác động ngay lập tức đến doanh nghiệp như doanh nghiệp dệt may vì các đơn hàng cũng đã ký được ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khi các đơn hàng của năm nay được hoàn thiện xong thì tác động đầu tiên là chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng cao.

Nếu như năng lực sản xuất yếu, tài chính hạn hẹp, các doanh nghiệp Việt Nam không thể giảm giá thành nên giá bán sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng cao. Thậm chí lượng cung từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ bị cắt giảm do các nhà sản xuất Trung Quốc hướng tới xuất khẩu những sản phẩm đã chế biến hoàn tất nhằm hưởng lợi cao hơn thay vì xuất nguyên liệu sơ chế như hiện nay. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ Trung Quốc.

Vũ Minh Bằng - Tổng Giám Đốc Cty Cổ phần Hồ Gươm

Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ trong hai ngày liên tiếp không ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của công ty CP Hồ Gươm. Chúng tôi chủ yếu chỉ làm gia công, mọi công đoạn từ nhập nguyên phụ liệu và thanh toán đều do đối tác nước ngoài làm hết.

Các đơn hàng của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ nên thanh toán bằng USD. Tôi nghĩ việc Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá trong hai ngày liên tiếp sẽ không tác động quá lớn tới thị trường dệt may trong ngắn hạn bởi 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ làm thuê công đoạn gia công, lắp ráp. Việc nhập hàng, xuất hàng đi đều do đối tác nước ngoài lo hết. Lan Hương
Lan Hương (LĐO)

Theo baodautu.vn