Dự án cầu Đại Ngãi gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); Hợp phần 2 đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát tổng mức đầu tư Dự án, tổ chức thẩm định theo quy định.
Đối với Hợp phần 1 theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc hoàn vốn cho Dự án bằng thu phí tại trạm thu phí Đại Ngãi và trạm thu phí cầu Cổ Chiên (sau khi đã hoàn vốn cho dự án cầu Cổ Chiên).
Đối với Hợp phần 2 của Dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, thẩm định dự án đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: cầu Đại Ngãi là công trình huyết mạch trên tuyến Quốc lộ 60, được hoạch định là tuyến đường trục ven. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60 để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía Đông của khu vực Tây Nam bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... rút ngắn được khoảng 70 km khi đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, giúp tiết kiệm chi phí vận tải và giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng.
Theo phương án xây dựng cầu được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ: vị trí cầu nằm ở phía hạ lưu Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, chiều dài toàn tuyến là 15,7 km; quy mô cầu Đại Ngãi 1 bắt qua luồng Định An, dài khoảng 2,32 km, đảm bảo tĩnh không cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào; cầu Đại Ngãi 2 bắt qua luồng Trần Đề dài gần 1 km, đảm bảo tĩnh không cho tàu sông 2.000 tấn. Tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay của cả dự án ước tính trên 5.000 tỷ đồng.
Phú Khởi

Theo baodautu.vn