Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu khó khăn nhiều nhất về chi phí vốn. Ảnh: Đức Thanh



Trao đổi tại Diễn đàn, ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư U&I cho rằng, có sự phân biệt khá rõ giữa các nhóm doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải chịu khó khăn nhiều nhất về chi phí vốn. “Họ rất khó tiếp cận vốn vay và nếu tiếp cận được thì phải chịu chi phí vốn cao hơn các nhóm doanh nghiệp khác”, ông Tín nói.
Ngoài ra, các DNNVV khó thu hút được nhân sự có chất lượng và phải gánh nhiều chi phí về thủ tục hành chính cùng các chi phí không chính thức. Chi phí logictics cũng cao do hạ tầng tại Việt Nam còn kém. Cuối cùng là khả năng quản trị thấp, dẫn đến khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Tín đưa ra ví dụ về hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp gỗ của Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà ông tham gia trực tiếp. Doanh số của hai đơn vị này tương đối lớn, khoảng 50 triệu USD mỗi năm. Doanh nghiệp Việt sử dụng 2.500 lao động, gấp 2,5 lần doanh nghiệp nước ngoài, nhưng lại đầu tư công nghệ thấp hơn 50%, chỉ 10 triệu USD. Sự khác biệt này tạo ra kết quả kinh doanh trái ngược nhau, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp Việt chỉ đạt 3%, trong khi đơn vị kia đạt 10%.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú cho rằng, chi phí sản xuất ở Việt Nam hiện không hề thấp, nhất là trong nông nghiệp, khiến hàng Việt khó cạnh tranh được với hàng của các nước trong ASEAN khi xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Jonahthan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng chia sẻ, mức thuế cao trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu (thuế nhập khẩu 30% và thuế giá trị gia tăng 10%) khiến hàng xa xỉ ở Việt Nam mất lợi thế so với hàng hóa tại những nước cùng khu vực. Do vậy, khi các nước khác giảm giá sản phẩm 30-40% sau một thời gian bày bán, thì IPP cũng không thể giảm giá theo.
“Vì chịu thuế cao, nên nếu giảm giá như họ, chúng tôi sẽ lỗ ngay”, ông lý giải và kỳ vọng, sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, mức thuế này được dỡ bỏ, khách hàng được lợi nhiều hơn vì giá giảm và hàng hiệu tại Việt Nam cũng nâng cao sức cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho rằng, việc Việt Nam neo tỷ giá ở mức cao từ năm 2012 đến nay ít nhiều ảnh hưởng đến lợi thế của hàng xuất khẩu Việt. Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC, một đơn vị mà REE rót khá nhiều vốn đầu tư) cũng chịu rủi ro tỷ giá khi có lúc lỗ hàng ngàn tỷ đồng, trong khi vẫn tăng trưởng về sản lượng.
Theo ông Quang, không chỉ mới đây, hầu hết các nước Đông Nam Á đã phá giá đồng tiền trong vài năm qua. Trong năm rồi, giá trị đồng tiền Malaysia giảm đến 28%, giúp hàng hóa của họ trở nên rất rẻ. Trong khi đó, giá trị đồng tiền Việt Nam vẫn cao, nên hàng hóa khó cạnh tranh với những quốc gia này.
Về giải pháp, ông Mai Hữu Tín cho rằng, doanh nghiệp càng nhỏ thì lại càng khó khăn. Trong khi đó, hướng giải quyết của nhóm DNNVV hiện nay là khi quy mô tăng một chút thì tìm cách bán đi. “Đây có vẻ là cách giải quyết không hay lắm. Rõ ràng, chúng ta phải tìm cơ chế khác để giúp nhóm DNNVV phát triển”, ông Tín chia sẻ.
Làm thế nào hỗ trợ DNNVV? Bà Somhatai Panichewa, CEO của Amata Vietnam chia sẻ, quan trọng nhất là ổn định chính sách kinh tế vĩ mô. “Nhiều doanh nghiệp FDI đã tính rời Thái Lan vì chi phí đầu vào tăng nhanh, nhưng họ vẫn ở lại vì chính sách đãi ngộ doanh nghiệp của Thái Lan tốt”, bà Somhatai dẫn chứng.
Khó khăn của DNNVV Thái Lan cũng tương tự doanh nghiệp Việt Nam, nhưng Thái Lan giải quyết bằng cách doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn và Chính phủ cùng hợp tác hỗ trợ DNNVV. Các doanh nghiệp lớn như SCG, Amata... khi triển khai đầu tư trong nước hay nước ngoài đều kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ của họ…
Giản Phúc - Nam Phương

Theo baodautu.vn