Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đối tác nội địa để tham gia Dự án Lọc hóa dầu Victory (Nhơn Hội, Bình Định). Có đối tác nội là cơ sở để PTT và đối tác khác trong Dự án là Saudi Aramco đẩy nhanh các bước đi tiếp theo để sớm triển khai dự án lọc hóa dầu có quy mô lớn nhất hiện nay trong cả nước.






VSIP đã trở thành mô hình đầu tư thành công của Singapore tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh




Nếu dự án này được chấp thuận, với quy mô vốn lên tới 22 tỷ USD, thì vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể và Thái Lan trở thành một trong những đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại, với 6,8 tỷ USD vốn đăng ký, Thái Lan đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, ngay cả chưa tính siêu Dự án Lọc hóa dầu PTT, thì cuộc đổ bộ của các đại gia Thái Lan gần đây được coi là một xu hướng rất đáng chú ý. Thông tin được tiết lộ cách đây chưa lâu, Ngân hàng thương mại Siam Thái Lan (SCB) đã được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam trên cơ sở mua lại, tiếp nhận tài sản, công nợ của Ngân hàng liên doanh Việt - Thái (VSB).
Trong khi đó, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) cũng khiến dư luận bất ngờ với việc họ thực tế đã nắm trong tay quyền điều hành Tập đoàn Phú Thái từ năm 2013. Chưa kể, BJC cũng đã mua lại cổ phần của FamilyMart (Nhật Bản) trong liên doanh với Phú Thái để sở hữu chuỗi 95 cửa hàng tiện lợi BJC Mart…
Một tên tuổi khác - Central Group đã thông qua Công ty thành viên Power Buy mua cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim… Năm 2013, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) Thái Lan cũng đã dốc tiền mua lại nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam là Prime Group…
Những cái tên Thái Lan khác được nhắc tới là Amata, với KCN Amata ở Biên Hòa (Đồng Nai) và đang lên kế hoạch đầu tư các dự án ở Quảng Ninh và Bình Định; hay SCG với Lọc hóa dầu Long Sơn, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 4,5 tỷ USD…
Những cái tên đó đã góp phần quan trọng ghi điểm cho Thái Lan trong danh sách các nhà đầu tư đến từ ASEAN có đầu tư lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thái Lan chỉ đứng ở vị trí thứ ba trong số các nền kinh tế thành viên ASEAN có đầu tư tại Việt Nam, sau Singapore (vốn đăng ký gần 33,2 tỷ USD) và Malaysia (10,9 tỷ USD).
Singapore từ lâu đã là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn lớn của quốc gia này, như Sembcorp, KeppelLand, VinaCapital, Mapletree, Banyan Tree..., đã góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. Trong số các dự án của nhà đầu tư Singapore, lớn nhất có thể kể đến Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD, ở Quảng Nam, song sau khi Chow Tai Fook (Hồng Kông) và Sun City (Macao) tham gia Dự án, thì tỷ lệ góp vốn của VinaCapital đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, Sembcorp lại ngày càng đầu tư mạnh tại Việt Nam, khi cùng với đối tác Becamex Bình Dương liên tục mở các KCN - đô thị - dịch vụ VSIP ở khắp cả nước, từ Bình Dương tới Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi và mới đây là Hải Dương và Nghệ An. Sembcorp cũng đang đầu tư Dự án Nhiệt điện Quảng Ngãi, với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.
Chưa kể, đóng góp cho vốn đầu tư của Singapore còn các dự án hàng tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM. Được đầu tư qua công ty con ở Singapore, nên dù Samsung là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, “công” vẫn được ghi cho nhà đầu tư Singapore.
Trong khi đó, Malaysia cũng được nhắc đến nhiều với Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (vốn đầu tư 3,5 tỷ USD), hay Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương (vốn đầu tư 1,84 tỷ USD)...
Dù có những dự án chưa được triển khai, song nhìn chung, vốn đầu tư từ ASEAN đã đóng góp tích cực cho việc tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề còn lại là, liệu 54,6 tỷ USD đã phải là con số tương xứng với tiềm năng hay chưa?
Nhìn vào kết quả thu hút FDI của Việt Nam từ ASEAN có thể thấy, hầu hết vốn đầu tư được tập trung vào ba nhà đầu tư lớn nhất là Singapore, Malaysia, Thái Lan. Tổng vốn đầu tư đăng ký của ba nhà đầu tư này chiếm tới 50,9 tỷ USD. Singapore, Malaysia và Thái Lan lần lượt giữ vị trí thứ 3, thứ 8 và thứ 10 trong danh sách 103 đối tác đầu tư tại Việt Nam.
Nếu chỉ tính các quốc gia thành viên ASEAN, sau Thái Lan, xếp hạng gần nhất là Brunei, với 1,7 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ 19 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các nền kinh tế còn lại, như Indonesia, Philippines, Lào..., vốn đầu tư không đáng kể.
Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN là lý giải xác đáng nhất cho khoảng cách vốn đầu tư vào Việt Nam giữa các quốc gia. Khó có thể kỳ vọng Lào, Campuchia, hay Philippines dốc vốn vào Việt Nam. Mà ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh đầu tư sang Lào, Campuchia, Myanmar...
Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác. Vấn đề hiện tại là, khi AEC được thành lập vào cuối năm nay, dòng chảy vốn FDI trong các quốc gia ASEAN dự báo được đẩy nhanh hơn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn từ góc độ khu vực và thế giới, Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Thái Lan, Indonesia, thậm chí là Myanmar, Campuchia, Lào... trong thu hút đầu tư từ các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: