Kềm Nghĩa là một trong những doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược đầu tư hệ thống nhận diện thương hiệu, phân phối, cung cấp dịch vụ sau bán hàng để xâm nhập sâu vào thị trường ASEAN




Trong khi các nước thuộc khu vực ASEAN đã có sự tiến quân vững chắc vào thị trường Việt Nam, thì con đường đưa hàng Việt ra nước ngoài, gần nhất là các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, vẫn còn đầy chông gai.
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương của Robenny Corporation cho rằng, không nhiều sản phẩm Việt Nam xuất hiện tại Thái Lan vì phần lớn người Thái nhập nguyên liệu, sản phẩm thô của Việt Nam rồi chế biến hoặc đóng gói thành phẩm của họ.
Chỉ có một số ít rất thương hiệu đầu tư hệ thống nhận diện thương hiệu, phân phối, cung cấp dịch vụ sau bán hàng như bút bi Thiên Long, Kềm Nghĩa...
Có thể nhắc tới hai nguyên nhân chính. Một là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tập trung vào những thị trường Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, chưa coi trọng thị trường ASEAN. Trong khi đó, các nhỏ và vừa muốn đưa hàng vào các nước lân cận nhưng không biết lối.
Cần phải nhắc lại là, Thái Lan đã chuẩn bị cho sự gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ rất sớm, với những chính sách khuyến khích doanh nghiệp của mình cách đây 2-3 năm để chuẩn bị mọi nhân lực, về sản phẩm để thâm nhập tất cả các nước ASEAN, chứ không riêng gì thị trường Việt Nam. Ngược lại, nhiều công ty phân phối ở Thái Lan lại không mặn mà với sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Vậy, câu hỏi là cửa nào cho doanh nghiệp Việt Nam đặt chân tại thị trường hấp dẫn này?
Các chuyên gia cho rằng, câu hỏi này nên đặt ra cách đây 5 năm, giờ thì đã quá muộn vì doanh nghiệp Việt Nam vốn không chuẩn bị cho việc này. Nhưng muộn không có nghĩa là không làm. Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu thị trường.
Theo bà Usa Winjarun, Tham tán thương mại Thái Lan tại Việt Nam, hàng sản xuất tại Việt Nam muốn xuất hiện nhiều hơn ở thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt cần làm 2 điều.
Thứ nhất, làm sao giá cả có thể cạnh tranh được với giá các sản phẩm tương tự của Thái Lan, cũng như của những nước khác xuất sang Thái Lan.
Thứ hai, đảm bảo chất lượng. Đây là hai vấn đề phải nhanh chóng giải quyết đầu tiên, rồi mới đến các hoạt động xúc tiến thương mại khác. Ngoài ra, các yếu tố về văn hóa và phong cách sống của Thái Lan cũng là những vấn đề cần được quan tâm khi thâm nhập vào thị trường này.
Đặc biệt, qua kênh tham tán thương mại, Thái Lan có rất nhiều hình thức để khuyến khích doanh nghiệp hai nước tham gia hội chợ, tổ chức các hoạt động nghiên cứu về thị trường và sản phẩm của Việt Nam sau khi gia nhập WTO để có những hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả. Trong đó có kế hoạch liên kết với một số siêu thị ở Việt Nam, ở Thái Lan tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, để người tiêu dùng hai nước biết đến nhiều sản phẩm hàng hoá của nhau.
“Những kế hoạch này cũng sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Lan, hỗ trợ về chi phí đi lại, ăn ở, thậm chí miễn phí gian hàng để thu hút các doanh nghiệp Việt sang Thái Lan”, bà Usa Winjarun cho biết.
Tuy nhiên, ông Robert Trần cảnh báo, thời gian để tận dụng các cơ hội này không còn nhiều. “Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam phải bắt tay hợp tác chặt chẽ với nhau để nhanh chóng bước chân sâu vào thị trường Thái Lan trước khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua”, ông Robert Trần khuyến nghị.
Anh Hoa

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: