Bệnh viện 5 sao án ngữ trên khu đất vàng
Đã nhiều năm nay, người dân sống quanh khu vực gần ngã ba phố Chùa Hà và Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) đều ngậm ngùi tiếc nuối trước sự xuống cấp của tòa nhà 11 tầng tọa lạc tại số 1 phố Chùa Hà, một khu đất vàng nằm giữa quận Cầu Giấy.
Đây là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ do Tập đoàn Keystone Development Management SA làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng một bệnh viện quy mô 500 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn 5 sao.






Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ xây dựng từ năm 2007 vẫn chưa xong




Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 1997, Dự án có tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD (tương đương với hơn 1.000 tỷ đồng theo giá trị hiện nay), thời gian hoạt động của Dự án là 40 năm. Sau khi được cấp phép xây dựng, Dự án đã tiến hành khởi công và đã làm xong phần thô với số tiền đầu tư là 800 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thiện phần cơ điện và khuôn viên sân vườn phía trước bệnh viện trong năm 2015, đến năm 2016 sẽ hoàn thiện, lắp đặt xong toàn bộ thiết bị y tế cho 500 giường bệnh để đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thành việc xây thô vào năm 2011 đến nay, công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy nhiều đám cỏ dại mọc cao, hệ thống thoát nước dường như không hoạt động. Ngay cả tấm biển hiệu của bệnh viện cũng bị bong tróc.
Ông Lê Ngọc Quang, một người dân thường xuyên tập thể dục tại Công viên Nghĩa Đô cho biết, dự án này đã lâu không thấy có công nhân vào công trường để tiếp tục xây dựng. “Tòa nhà ngay giữa trung tâm quận Cầu Giấy mà lại để đắp chiếu như vậy thì quả là đáng tiếc”, ông Quang ngậm ngùi.
Vướng mắc ở đâu?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Phó tổng giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng, bệnh viện có xin thêm một khu đất có diện tích 2.423 m2 nằm sát bên hông của khu dự án để mở rộng thêm diện tích của vườn cỏ cây xanh và đường xuống tầng hầm.
Được biết, đây là khu hành lang lưới điện và là đất lấn chiếm của các hộ gia đình sát cạnh dự án. “TP. Hà Nội đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng 5 năm nay, tuy nhiên, hiện tại phần đất cần giải phóng mặt bằng gồm có 33 hộ dân nhưng chỉ có 27 hộ dân chịu đi, còn 6 hộ dân vẫn chống đối. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với các hộ dân này”, bà Hương nói.
Xác nhận vấn đề này, ông Bùi Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận đã triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa xong. Khi giải phóng mặt bằng, UBND quận Cầu Giấy có nhận được nhiều ý kiến của người dân, trong đó người dân yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện những phần chính của công trình đang còn bỏ dở, rồi hãy nghĩ đến việc lấy đất làm thảm cỏ cây xanh.
Bà Hương cho biết thêm, sau 13 năm dành cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng, mức độ trượt giá của vốn đầu tư dự án là 50%. Đặc biệt, thời gian hoạt động của bệnh viện tính đến thời điểm này chỉ còn 23 năm, do đó Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ đã xin TP. Hà Nội được đầu tư 50 năm, thay vì 40 năm trong giấy phép đầu tư.
Trước yêu cầu về mặt bằng của Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, ông Bùi Tuấn Anh khẳng định, quận Cầu Giấy sẽ tiếp tục triển khai việc giải phóng mặt bằng phần diện tích đất dự kiến là thảm cỏ cây xanh của bệnh viện và bàn giao cho bệnh viện để triển khai dự án trong năm nay.
Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động của Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ. Vướng mắc mà người đại diện của bệnh viện đưa ra chỉ là chưa giải phóng mặt bằng để làm thảm cỏ cây xanh, mà những hạng mục này không phải hạng mục chính của Dự án, nếu chưa có hạng mục này thì Bệnh viện cũng không vì thế bị ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cho tới năm 2014, trung bình hàng năm, người Việt vẫn phải đem hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Để đáp ứng nhu cầu của một thị trường tiềm năng như vậy, vẫn theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngay trên địa bàn TP. Hà Nội, các bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế như Bệnh viện Việt - Pháp, Bệnh viện Đa khoa quốc tế VinMec… khi đi vào hoạt động đã kinh doanh có lãi. Đáng chú ý, Bệnh viện VinMec kể từ khi khởi công tới khi chính thức vận hành chỉ mất hơn 10 tháng.
Trang Nguyễn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: